Doanh nghiệp nông sản liên quan Vạn Thịnh Phát bị tạm dừng giao dịch tài sản

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn nhất tỉnh Gia Lai hiện nằm trong danh sách các công ty bị Bộ Công an tạm dừng giao dịch tài sản vì liên quan đến vụ án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ngày 15/11, theo nguồn tin, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (trụ sở 404 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai) nằm trong danh sách 762 công ty bị Bộ Công an yêu cầu tạm dừng giao dịch tài sản để phục vụ điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

cong-ty-vinh-hiep-1668507554.jpg Trụ sở Công ty Vĩnh Hiệp tại Gia Lai.

 

Trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Gia Lai, công ty trên có 19 lần đăng ký thay đổi. Vốn điều lệ 350 tỷ đồng, do hai thành viên góp vốn, trong đó ông Thái Như Hiệp đóng góp 332,5 tỷ đồng (tương ứng 95%) và bà Trần Thị Lan Anh góp 17,5 tỷ đồng (tương ứng 5%).

Người đại diện theo pháp luật là ông Thái Như Hiệp (SN 1963), Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc. Ông Hiệp có địa chỉ thường trú và liên lạc ở phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai - cho biết, Công ty Vĩnh Hiệp có nằm trong danh sách 762 công ty bị Bộ Công an phong tỏa tài sản.

“Tuy nhiên, công ty Vĩnh Hiệp chỉ giao dịch lớn với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), vay vốn đơn thuần để kinh doanh cà phê chứ không liên quan gì đến bất động sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”, ông Quế nói. Cũng theo ông Quế, sau khi bị phong tỏa tài sản, công ty Vĩnh Hiệp đã có đơn xin cứu xét gửi các cơ quan Trung ương.

Tìm hiểu của chúng tôi, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSND tối cao) đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc nhận đơn Công ty Vĩnh Hiệp.

Trong đơn, doanh nghiệp này trình bày đã ký kết một số hợp đồng vay vốn tại ngân hàng SCB. Hiện tại dư nợ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tại ngân hàng SCB hơn 71 tỷ đồng, mục đích vay vốn để liên kết thu mua cà phê của 10.000 hộ nông dân và các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, không liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát. Việc tạm dừng giao dịch đối với tài sản thế chấp tại ngân hàng theo yêu cầu của Cơ quan điều tra đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Doanh nghiệp không được giải ngân, không có hàng hóa để xuất khẩu, không tiêu thụ được nông sản cho nông dân...

Từ đó, Viện KSND tối cao (Vụ 3) chuyển đơn cứu xét của ông Thái Như Hiệp đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03).

Viện KSND tối cao đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẩn trương rà soát đối với Công ty Vĩnh Hiệp và tất cả các doanh nghiệp khác, nếu không liên quan đến hành vi của các bị can, đối tượng liên quan trong vụ án thì tháo gỡ, hủy bỏ yêu cầu tạm dừng giao dịch để doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hợp pháp với ngân hàng, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.