Dồn dập gom đất tỉnh lẻ, TNR Holdings và các thành viên làm ăn ra sao?

Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc tích cực gom đất tỉnh lẻ thông qua kênh đấu thầu, TNR Holdings và các doanh nghiệp trong group cũng liên tiếp thực hiện các thương vụ phát hành trái phiếu quy mô nghìn tỷ để tăng cường nguồn vốn.
20200724_081551 (1)

Các doanh nghiệp thành viên nhóm TNR Holdings đang liên tục gom quỹ đất tại nhiều địa phương. Ảnh Khánh An.

Khẩu vị đất vàng tỉnh lẻ

UBND tỉnh Sơn La tháng 10 vừa qua đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời công nhận CTCP Bất động sản HANO-VID là chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư lô số 3A, dọc suối Nậm La, TP. Sơn La.

Tổng diện tích khu đất quy hoạch thực hiện dự án gần 1,7 ha với ranh giới cụ thể như sau: Phía Bắc giáp khu dân cư hiện trạng, phía Đông giáp đường kè suối Nậm La, phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng, phía Nam giáp dự án khu dân cư Hồ Sanh.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Bất động sản HANO-VID được thành lập năm 2010 với ba cổ đông là CTCP Dệt Hà Đông Hanosimex, Tổng công ty Dệt may Hà Nội và CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (nay là TNG Holdings). Doanh nghiệp này đã tăng mạnh vốn từ 320 tỷ đồng lên 771,5 tỷ đồng vào tháng 10/2018. Đến tháng 4/2019, HANO-VID tiếp tục tăng vốn lên 2.391,5 tỷ đồng và nâng lên mức 3.544,1 tỷ đồng vào ngày 9/3/2020, đồng thời thay đổi Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật từ ông Phạm Đình Cao sang ông Nguyễn Thế Đạt.

Vài năm trở lại đây, tên tuổi của HANO-VID được nhắc đến nhiều khi là chủ đầu tư loạt dự án bất động sản lớn.

Cụ thể, cuối năm 2018, cùng với việc tăng vốn như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu dân cư tại thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều quy mô 9,8ha với tổng chi phí thực hiện hơn 522 tỷ đồng. Trước đó HANO-VID cũng từng trúng dự án đầu tư xây dựng khu dân cư phía tây nhà máy Bia Đông Mai (quy mô 70.466 m2, vốn đầu tư 180 tỷ đồng) tại địa phương này.

Đến tháng 1/2019, tại TP. Bắc Kạn, liên danh TNR Holdings Việt Nam - HANO-VID đã trúng Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4 có diện tích 6,7ha, vốn đầu tư dự kiến 59,42 tỷ đồng. 

Đến tháng 5/2019, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến quy mô 18,4ha theo hình thức chỉ định thầu, và liên danh TNR Holdings - HANO-VID tiếp tục trúng thầu, dự án có tổng mức đầu tư 514,4 tỷ đồng.

Sang đến năm 2020, HANO-VID tiếp tục được lựa chọn làm nhà đầu tư tại nhiều tỉnh thành như Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (quy mô 10,8ha, tổng mức đầu tư gần 814 tỷ đồng), Dự án Khu dân cư đô thị ven sông Hội, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (21ha, tổng mức đầu tư 898 tỷ đồng), Khu dân cư tổ 3, phường Nghĩa Phú, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông ( quy mô 42,87ha, tổng vốn đầu tư gần 685 tỷ đồng); dự án đầu tư khu dân cư tại quỹ đất giáp mặt đường Âu Cơ, TP Yên Bái (quy mô 4,33 ha, tổng vốn đầu tư hơn 247 tỷ đồng); Khu dân cư tổ 6, tổ 7 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (diện tích đất 8ha, tổng chi phí thực hiện gần 324 tỷ đồng) hay Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh( 14,57ha, tổng mức đầu tư trên 403 tỷ đồng).

Độ phủ sóng của HANO-VID trên khắp các tỉnh thành đều có sự hậu thuẫn đặc biệt từ TNR Holdings - công ty phát triển bất động sản thuộc CTCP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam (TNG Holdings). Tại Hà Nội, TNR Holdings sở hữu hàng loạt dự án như: TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Láng Hạ (Sky City), TNR Nguyễn Chí Thanh, TNR Goldmark City, TNR GoldSeason, TNR GoldSilk Complex...; tại TP.HCM, TNR Holdings nắm giữ các dự án như: TNR Nguyễn Công Trứ, TNR The GoldView...

Ngoài HANO-VID, song hành cùng TNR Holdings trong các dự án lớn còn có Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân. Đây là công ty được thành lập vào năm 2006 và cập nhật tại ngày gần nhất, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 2.817 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm Đại diện pháp luật là bà Bùi Thanh Thúy (SN 1988). Việt Hân cũng là một thành viên cùng “group” với HANO-VID.

Được biết, Việt Hân và TNR Holdings vào năm 2018 đã đồng hành với nhau tại dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự sông Uông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 926 tỷ đồng.

Tiềm lực TNR Holdings ra sao?

Hoạt động sôi nổi trên thị trường bất động sản với tham vọng tăng cường mạnh mẽ quỹ đất tại các địa phương, TNR Holdings cùng Việt Hân cũng như HANO-VID lại có kết quả kinh doanh không quá tích cực. 

Screenshot (233)

 

Theo đó, trong hai năm 2016 và 2017, TNR Holdings (công ty mẹ) chỉ thu về lần lượt 120 triệu đồng và 550 triệu đồng tiền lãi thuần, con số này giảm sâu xuống âm 1,3 tỷ đồng vào năm 2018 và về mức 577 triệu đồng trong năm 2019. Trong khi đó, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp này lại tăng nhanh từ 14,1 tỷ đồng năm 2016 lên mức 14.942 tỷ đồng năm 2019.

Nửa đầu năm 2020, doanh nghiệp này thu về 3,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đồng thời tỷ suất LNST/VCSH là 0,19%. Tại ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu ở mức 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên nợ phải trả đã đạt đến 17.200 tỷ đồng, tăng 2.300 tỷ so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng dư nợ trái phiếu vào khoảng 14.000 tỷ đồng, cao hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Screenshot (237)

 

Với HANO-VID, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của doanh nghiệp này đạt đỉnh vào năm 2017 với các con số lần lượt đạt được là 1.421 tỷ đồng và 166,5 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đấy lợi nhuận thuần liên tiếp giảm xuống 19,7 tỷ đồng năm 2018 và còn 3,7 tỷ đồng vào năm 2019. Ở một báo cáo gần đây, HANO-VID cho biết trong nửa đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 2,26 tỷ đồng, giảm 39% so với hồi đầu năm và tại ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu cùng nợ phải trả lần lượt ở mức 3.544 tỷ đồng và 1.782 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của HANO-VID ở mức 5.863 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn chiếm đến 74%.

Còn với CTCP Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân, trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt 174,8 tỷ đồng, cao gấp 2,32 lần so với kỳ trước. Tại ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả của doanh nghiệp này lần lượt ở mức 2.817 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng.