Đóng loạt cửa hàng, chuỗi Golden Gate đang kinh doanh ra sao?

Ảnh hưởng của hai năm đại dịch COVID đã khiến kết quả kinh doanh của Golden Gate sụt giảm nghiêm trọng, riêng năm 2021 công ty lần đầu tiên báo lỗ sau 13 năm với mức lỗ 431 tỷ đồng, đưa mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2021 còn 785 tỷ.

kichi-kichi-1678075136.jpg Ảnh minh họa: Golden Gate.

Ngày 1/3, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) ra quyết nghị chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của công ty. Các chi nhánh này hoạt động ở cả ba miền từ Bắc - Trung - Nam với một số địa phương đáng chú ý như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương... Đa phần các chi nhánh bị chấm dứt hoạt động đều có vị trí tại những trung tâm thương mại nổi tiếng của địa phương.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Golden Gate cho biết việc đóng cửa chi nhánh là hoạt động tái cấu trúc nội bộ, không ảnh hưởng tới các cửa hàng do công ty quản lý.

"Theo quy định mới, công ty không cần thiết phải lập chi nhánh tại địa phương nên chúng tôi thực hiện chấm dứt hoạt động của các chi nhánh để giảm bớt thủ tục hành chính, đưa tất cả cửa hàng về dưới sự quản lý của trụ sở chính", bà Hoàng Thu Hương, đại diện Golden Gate nói.

Bà Hương xác nhận thông tin công ty sẽ chia thành hai chi nhánh là miền Bắc và Nam, thực hiện quản lý cửa hàng tại từng khu vực. "Việc đóng cửa chi nhánh không ảnh hưởng tới hoạt động của các cửa hàng tại từng địa phương", bà Hương nói thêm.

Theo giới thiệu, Golden Gate được thành lập năm 2005, có địa chỉ trụ sở chính tại số 60 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Hiện công ty đang sở hữu 22 thương hiệu cùng gần 400 cửa hàng tại 45 tỉnh, thành. Một số thương hiệu nổi tiếng thuộc hệ sinh thái của Golden Gate có thể kể tới như chuỗi nhà hàng lẩu Manwah, Kichi-Kichi, Hutong; chuỗi nướng Sumo, GoGi House; nhà hàng Nhật Isushi, Daruma,...

Golden Gate từng được định giá hơn 1.100 tỷ đồng

Tháng 9/2021, Golden Gate công bố phương án phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 6/9/2024. Lãi suất danh nghĩa áp dụng 11,5%/năm; kỳ trả lãi 3 tháng/lần. Trái phiếu có thể được mua lại sau 1 năm kể từ ngày phát hành.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là 573.372 cổ phần của công ty do Golden Gate Partners (cổ đông lớn của công ty) nắm giữ. Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate hơn 1,9 triệu đồng. Tức giá trị tài sản đảm bảo ban đầu được xác định là hơn 1.120 tỷ đồng, tương đương 160% tổng tài khoản gốc của trái phiếu.

Kết quả chào bán có 4.937 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu được phân phối, tương ứng 493,7 tỷ đồng. Số tiền này nhằm thực hiện các dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.

Các trái chủ trong đợt phát hành này là 89 nhà đầu tư cá nhân trong nước (301,4 tỷ đồng), 5 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua phần còn lại (192,3 tỷ đồng) dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Mirae Asset và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.

Thua lỗ trong năm đỉnh đại dịch 2021

Về tình hinh kinh doanh, kết quả của Golden Gate sụt giảm mạnh trong hai năm 2020 và 2021 khi Việt Nam đối mặt tình trạng giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong COVID-19.

Theo số liệu mới nhất tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Golden Gate đều giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu của Golden Gate giảm 1.241 tỷ, tương ứng giảm 27,2% về mức 3.318 tỷ đồng, nhất là ở mảng bán thực phẩm và đồ uống. Lợi nhuận gộp thu về hơn 1.900 tỷ đồng, sụt khoảng 30% so với năm 2020. Biên lãi gộp chỉ thu hẹp từ 59,5% xuống 58,1%.

Doanh thu giảm sút mạnh nhưng các chi phí tiết giảm với mức thấp hơn nên cả năm, công ty lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008. Dù vậy, tổng số lãi lũy kế đến hết năm 2021 là 785 tỷ đồng.

CEO của Golden Gate cho biết, năm 2021 vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực dù các nhà hàng chỉ hoạt động 65% thời gian năm. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi quy định giãn cách xã hội, doanh thu bắt đầu hồi phục và tăng trưởng, đặc biệt từ quý IV/2021 khi các nhà hàng bắt đầu được mở bán trở lại. Lượt khách tới nhà hàng trong tháng 10 tăng gấp 4 lần so với tháng trước đó, lượt khách tháng 12/2021 đạt hơn 1 triệu lượt, gấp đôi so với tháng 10/2021. 

ket-qua-kinh-doanh-golden-gate-1678075818.png Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Golden Gate nhích nhẹ gần 100 tỷ so với đầu năm lên 2.387 tỷ đồng. Trong đó tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng dưới một năm trị giá 374 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với ngày đầu năm.

Khoản mục hàng tồn kho gần 650 tỷ, tăng hơn 50% và chiếm khoảng 27% tổng tài sản. Các khoản phải thu của khách hàng của Golden Gate chủ yếu đến từ Aeonmall.

Ở phía nguồn vốn, mục đi vay dài hạn phát sinh 546 tỷ đồng do trong năm doanh nghiệp huy động trái phiếu. Tổng nợ đi vay của Golden Gate chiếm khoảng 45% tổng nguồn vốn với giá trị 1.075 tỷ đồng, tăng 2,4 lần. Vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2021 là 748 tỷ, trong đó vốn góp là 76 tỷ đồng.

co-dong-1678075868.png Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC quý IV/2021 của công ty.

Mở rộng sang mảng suất ăn, dự kiến chi 100 tỷ đồng đầu tư ra nước ngoài

Năm 2022, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878 tỷ đồng, tăng 107,3% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế là 375 tỷ đồng sau khi ghi nhận một năm thua lỗ nặng nề.

Tháng 10 năm ngoái, Golden Gate gây bất ngờ khi khai trương cụm dịch vụ tiện ích gồm các dịch vụ căng tin, cà phê, siêu thị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), một lĩnh vực vốn có biên lãi gộp khá mỏng chỉ ở mức một chữ số. 

Tháng 12/2022, Hội đồng quản trị Golden Gate công bố đầu tư ra nước ngoài với số tiền 100 tỷ đồng, thông qua việc thành lập Công ty Frontline Services Pte.Ltd có trụ sở tại Singapore với dự án mang tên 5G. Mục đích kinh doanh là tư vấn, nhượng quyền thương mại, vận hành nhà hàng, phân phối thực phẩm, đầu tư hợp tác kinh doanh,... Tiến độ góp vốn trong vòng 36 tháng kể từ ngày thành lập công ty thành viên.

Mới đây, Golden Gate cũng đang triển khai lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản liên quan nhiều vấn đề như phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành cổ phiếu trả cổ tức… trong đó có việc bổ sung ngành nghề kinh doanh.

Chuỗi cửa hàng này đang muốn mở rộng hoạt động theo hình thức bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi, bán lẻ qua mạng (qua website, điện thoại, internet…) và phân phối bán lẻ theo các kênh khác (có thể gắn với thành lập cơ sở bán lẻ).