Hàng chục khu đất được khai thác
Để tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã xác định mục tiêu quan trọng nhất của tỉnh trong thời gian tới là phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông để kết nối đồng bộ việc lưu thông nội tỉnh, lưu thông liên vùng, khu vực và xa hơn là trở thành trạm trung chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu trên thì việc đầu tiên tỉnh Đồng Nai cần phải giải quyết đó chính là ngồn vốn để thực hiện các dự án giao thông.
Sau nhiều lần họp bàn, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và chuyên gia chính quyền tỉnh Đồng Nai thống nhất triển khai kế hoạch khai thác quỹ đất khu vực lân cận các dự án giao thông để đấu giá, tạo nguồn vốn để tái đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đúng tiềm năng vốn có, địa phương cần đầu tư để đồng bộ để kết nối hệ thống hạ tầng giao thông. Do đó, địa phương sẽ khai thác các khu đất vùng phụ cận để tạo ra nguồn vốn phục vụ các dự án hạ tầng giao thông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, hiện các đơn vị đã xây dựng được một số đề án như đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án Xây dựng đường liên cảng thuộc huyện Nhơn Trạch; đề án khai thác quỹ đất trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, TP. Long Khánh; đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 trên địa bàn huyện Thống Nhất và huyện Long Thành; dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B trên địa bàn các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, TP.Long Khánh; dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ.
Theo ông Võ Văn Phi, với các đề án nêu trên, các địa phương đã đưa ra đề xuất khai thác hàng chục khu đất phụ cận với tổng diện tích gần 2.000 ha để đấu giá. Dự tính, số đất trên khi mang đấu giá có thể thu về con số trên 13.000 tỉ đồng. Tuy nhiên nếu muốn khai thác các khu đất phụ cận thì tỉnh vẫn cần nguồn vốn lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng và số vốn này sẽ lấy từ quỹ phát triển đất.
Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, nguồn quỹ phát triển đất phải bố trí phục vụ nhiều mục đích nên cũng phải sắp xếp cân nhắc kỹ lưỡng. Do đó, nếu khai thác các khu đất phụ cận dự án giao thông cũng sẽ phải tính toán thực hiện phương án cuốn chiếu, phân kỳ đầu tư để có nguồn vốn thực hiện được các dự án này.
Quyền lợi của người dân cần được đảm bảo
Một phương án khách được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đề xuất là UBND tỉnh cho ứng vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất các năm trước hoặc ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để giải phóng mặt bằng các khu đất.
Nhận định về các đề án nêu trên của tỉnh Đồng Nai, đại diện UBND H. Vĩnh Cửu cho biết, trên địa bàn huyện có 5 khu đất được đề xuất khai thác. Huyện dự kiến triển khai thu hồi đất theo tiến độ dự án giao thông. Về chính sách hỗ trợ, huyện đang tập trung xây dựng các khu tái định cư tại xã Bình Lợi, xã Thạnh Phú và TT.Vĩnh An… để bố trí chỗ tái định cư cho các hộ đủ điều kiện. Huyện kiến nghị hoàn thiện dự án đường giao thông mới bố trí đấu giá quyền sử dụng đất, vì khi đó khu đất lợi thế mới có giá trị cao.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho rằng, địa phương thống nhất với khu đất Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất. Vấn đề vướng mắc hiện nay là điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khu đất 120ha; chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nông nghiệp sang đất ở) trước rồi thu hồi đất của người dân hay thu hồi đất trước, điều chỉnh sau. Về tái định cư, địa phương đang đầu tư khu tái định cư gần đường Liên Cảng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác quỹ đất lợi thế vùng phụ cận dự án đường giao thông để tạo vốn làm đường là cần thiết vì góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối vùng, liên vùng, các đường cao tốc và sân bay quốc tế Long Thành. Ngoài ra, việc làm này cũng thúc đẩy hình thành các khu dân cư tập trung, khu đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ cho các địa phương.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Văn Phi nhận định, đề án này là cần thiết và nên làm sớm. Vấn đề cần quan tâm là tính toán đầu tư xây dựng và bố trí chỗ ở tái định cư gần với khu bị thu hồi đất. Đồng thời, xây dựng khung giá bồi thường cây trồng và công trình xây dựng có lợi nhất cho người dân. “Khai thác quỹ đất để tạo vốn làm đường là vì cái chung nhưng làm sao cho người dân có lợi, đồng thuận với cái chung đó” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.