Dòng vốn có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh xu hướng rút vốn đang diễn ra trên toàn cầu do động thái tăng tốc hút tiền của Fed, dòng vốn lại đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF. Điều này được đánh giá là tín hiệu tích cực cho thị trường.

Triển vọng của TTCK Việt được đánh giá hấp dẫn, đặc biệt trong mắt NĐT nước ngoài

Thống kê từ đầu tháng 10, các quỹ ETF đã hút ròng khoảng 1.800 tỷ đồng. Ấn tượng nhất là Fubon FTSE Vietnam ETF với giá trị hơn 900 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng giảm tốc hút tiền, quỹ ETF này tiếp tục mạnh mẽ trở lại. Đây cũng là quỹ ETF duy nhất không bị rút ròng trong bất kỳ tháng nào kể từ đầu năm với giá trị dòng tiền vào đến thời điểm hiện tại đã lên đến gần 7.200 tỷ đồng.

Sau 3 tháng liên tiếp bị rút vốn với giá trị hơn 1.800 tỷ đồng trong quý III vừa qua, DCVFM VNDiamond ETF đã ghi nhận sự trở lại tích cực. Từ đầu tháng 10, quỹ này đã hút ròng trở lại khoảng 335 tỷ đồng, nâng giá trị dòng tiền vào từ đầu năm lên 4.100 tỷ đồng. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, quỹ này cũng là thỏi nam châm hút tiền mạnh nhất thị trường với giá trị gần 5.600 tỷ đồng.

Dòng vốn có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán
 

Tương tự, DCVFM VN30 ETF cũng hút ròng hơn 400 tỷ đồng - con số lớn nhất kể từ đầu năm. Trước đó, quỹ này đã bị rút vốn mạnh trong 7/9 tháng đầu năm và chỉ hút ròng nhẹ trong tháng 4 và 5 với tổng giá trị chưa đến 300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, với lượng hút ròng 247 tỷ đồng kể từ đầu tháng 10, dòng vốn rút ra VNM ETF tính từ đầu năm đã được thu hẹp xuống còn khoảng 900 tỷ đồng. Điều này cũng mang tới hi vọng tích cực về cơ hội quỹ sẽ có tháng đầu tiên không bị rút ròng. Bởi 9 tháng qua, quỹ này đã bị rút ròng liên tục với giá trị gần 1.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, mặc dù dòng vốn vào SSIAM VNFinLead ETF bị rút ròng 52 tỷ đồng từ đầu tháng 10 sau khi hút vốn trong 6 tháng liên tiếp và FTSE Vietnam ETF cũng đang chững lại sau 3 tháng hút tiền đầy khởi sắc, song tính từ đầu năm đến nay, 2 quỹ này đều đang hút tiền với giá trị lần lượt hơn 450 tỷ và gần 200 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, bất chấp thị trường diễn biến tiêu cực nhưng nhiều quỹ ngoại vẫn “không ngại” rót vốn vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt. Chẳng hạn như quỹ đầu tư từ Hong Kong CSOP FTSE Vietnam 30 ETF dự kiến sẽ đầu tư 100% tài sản vào các cổ phiếu Việt Nam và theo chiến lược lấy mẫu đại diện mô phỏng lại chỉ số tham chiếu tập trung vào 30 cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản sôi động.

Trước đó, ETF thứ 3 thuộc Dragon Capital là DCVFM VNMidcap ETF - nhóm ưa thích của nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhất là trong 2 năm trở lại đây nhờ thanh khoản tốt và có mức biến động giá khá lớn, cũng đã chính thức niêm yết từ ngày 29/9 vừa qua. Đây là quỹ đầu tiên tham chiếu theo rổ VNMidcap - chỉ số xây dựng từ 70 cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm trung đang niêm yết trên HoSE.

Được biết, sắp tới đây, KIM Growth VNFinselect ETF – quỹ đầu tiên tham chiếu theo rổ chỉ số VNFinselect (mô phỏng các cổ phiếu trong ngành Tài chính) cũng sẽ được cho ra mắt. Danh mục của ETF này bao gồm những cổ phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán hàng đầu về thanh khoản và vốn hóa.

Có thể thấy, trong bối cảnh xu hướng rút vốn đang diễn ra trên toàn cầu do động thái tăng tốc hút tiền của Fed, dòng vốn lại đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF. Điều này được đánh giá là tín hiệu tích cực cho TTCK bởi nếu nhìn lại quá khứ, TTCK thường có sự đồng pha nhất định với xu hướng của dòng vốn ETF. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những ETF mới hứa hẹn sẽ mang thêm nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư, cũng như đem đến điểm sáng mới thu hút dòng vốn đổ vào TTCK thời gian tới.

Nhìn chung, các quỹ ETF thường là “sân chơi” của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc hàng nghìn tỷ vẫn đổ vào TTCK Việt qua các quỹ ETF cho thấy triển vọng của TTCK Việt vẫn được đánh giá hấp dẫn, đặc biệt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhờ môi trường nội địa lẫn toàn cầu thuận lợi, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 15 lần trong 25 năm qua. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm gần đây bất chấp đại dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á”, CSOP, công ty quản lý tài sản tập trung vào đầu tư tại thị trường Trung Quốc cho biết.

Hơn nữa, sau khi VN-Index giảm sâu tới 500 điểm từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hàng trăm cổ phiếu rơi về dưới mệnh giá và cổ phiếu “trà đá” cũng tăng đột biến. Kéo theo đó, định giá VN-Index đang về mức hấp dẫn, thậm chí còn được đánh giá là rất rẻ cho mục tiêu tích lũy trung và dài hạn. Cụ thể, sau phiên 7/10, P/E VN-Index ở mức 9,96 lần, thấp hơn cả mức đáy COVID-19 cuối tháng 3/2020, và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

VN-Index sẽ tích cực hơn trong tháng 10?

Trước mắt, sau những biến động mạnh của VN-Index từ những phiên đầu tháng 10, có lẽ điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất ngay lúc này chính là diễn biến của thị trường sẽ ra sao. Bởi lẽ những thống kê lịch sử cho thấy, thường trong tháng 10, VN-Index sẽ nghiêng về khả năng tăng điểm, song với những diễn biến đang xảy ra, có lẽ mọi thứ sẽ xoay chiều.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định vẫn còn nhiều yếu tố cần chú ý tại ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu có thể tác động với Việt Nam. Đồng thời BSC cũng đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong tháng 10.

Với kịch bản tích cực, tâm lý nhà đầu tư có thể ổn định trở lại sau chuỗi giảm điểm kéo dài trong tháng 9 kết hợp với lực cầu tham gia tốt khi chỉ số và các nhóm cổ phiếu đã ở vùng định giá hấp dẫn. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,7 đến 0,9 tỷ USD/phiên (16.000 - 20.700 tỷ đồng/phiên)

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng có thể thu hẹp tốc độ bán ròng bên cạnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế tiếp tục duy trì tín hiệu khởi sắc. Các biện pháp bình ổn giá cả, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến trình triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ hiệu quả, thực chất hơn so với giai đoạn trước đó.

“VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.150-1.180 điểm nhưng thị trường được dự báo sẽ phân hóa khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III”, báo cáo nêu.

Chiều ngược lại, nếu tâm lý bi quan và tiêu cực về nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới cũng như các thông tin không mấy tích cực xuất hiện nhiều hơn có thể khiến hoạt động rút vốn khỏi thị trường tiếp tục diễn ra để hướng đến các kênh tài sản ít rủi ro hơn.

Trong khi đó, các NHTW vẫn chưa phát ra tín hiệu dừng lãi suất trong công cuộc chống lạm phát. Và điều này sẽ khiến xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể sẽ tiếp diễn trong quý IV/2022 khi mà trong quý III họ đã quay lại bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng tại thời điểm thị trường giảm sâu.

Bên cạnh đó, dấu hiệu khởi sắc từ nền kinh tế Trung Quốc chưa thực sự rõ rệt. Mặt khác, căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ tác động tiêu cực đến thế giới.

“Dự báo VN-Index dao động trong vùng 1.000 - 1.050 điểm, tương ứng mức chiết khấu tới hơn 130 điểm trong tháng 10”, báo cáo chỉ rõ.

Tuy nhiên, với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp cùng câu chuyện lạm phát hạ nhiệt. Đặc biệt, tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam vẫn đạt hơn 13%, cao hơn cả dự báo trước đó của các tổ chức tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng VN-Index sẽ lạc quan hơn trong tháng 10, sau khi VN-Index đã lùi hẳn về nền cứng 1.000 - 1.025 điểm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: Top những nghề tay trái cho dân văn phòng mang lại thu nhập hấp dẫn