Dự án BT của Tập đoàn Nam Cường: Bỏ 300 nghìn đồng đổi 1m2 đất vàng ở Hà Nội

04/03/2021 13:10

Theo đối chiếu, vào năm 2008, Tập đoàn Nam Cường chỉ phải bỏ ra 300 nghìn đồng để đổi lấy 1m2 đất ở vị trí đắc địa ở Hà Nội. Trong khi đó, tại các dự án đầu tư theo hình thức BT của Tập đoàn Nam Cường đang xảy ra nhiều vấn đề lùm xùm, trì trệ tiến độ…

Đất vàng giá… siêu rẻ?

Tại Hà Nội, tập đoàn Nam Cường là một trong doanh nghiệp rất có tiếng trong các dự án đầu tư theo hình thức BT. 

Vào năm 2008, Nam Cường xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT có chiều dài 5,1km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, đổi lại, Nam Cường được Hà Nội giao khu đất có diện tích gần 200ha để phát triển khu đô thị Dương Nội. Nếu tính với giá thành này, thì Nam Cường chỉ phải trả khoảng 300.000 đồng để đổi lấy một m2 "đất vàng"…

Đến năm 2009, Nam Cường tiếp tục liên danh cùng với một công ty khác để tham gia dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài cũng theo hợp đồng BT. Tuyến đường dài khoảng 2,7km với tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010.

Với việc tham gia dự án này, tập đoàn Nam Cường đã gia tăng quỹ đất với diện tích 46,1ha (tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Khu đất này được Nam Cường phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang.

Tập đoàn Nam Cường còn hướng đến quỹ đất hàng ngàn ha khi quyết định tham gia đầu tư dự án đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Thực hiện dự án này, Nam Cường sẽ được giao quỹ đất hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124 ha và Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), quy mô 922 ha.

Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường buộc phải trả lại cho Hà Nội 2 dự án trên vì không phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố.

Với việc sở hữu những lô đất khổng lồ ở Hà Nội, trong những năm qua, Nam Cường đã cắt dần những phần nhỏ để bán cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án. 

Theo tìm hiểu, đến cuối năm 2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỉ đồng, tương đương sở hữu 94%. Ái nữ của bà Ngà là bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (sinh năm 1991) nắm giữ 3% vốn.

Vài năm gần đây, kết quả kinh doanh của Nam Cường... thụt lùi. Năm 2019, doanh thu thuần của Nam Cường đạt 229,3 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng chỉ ở mức 28,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận năm 2018, 85 tỷ đồng.

Con số này không chỉ thấp so với những năm trước và ngày càng nhỏ đi nếu so với quy mô của tập đoàn này. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nam Cường đạt hơn 7.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 5.045 tỷ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần chi nhánh Hà Tây của Nam Cường đạt 1.067 tỷ, lãi ròng ở mức 390 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của chi nhánh này đạt gần 7.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 900 tỷ đồng.

Hay như chi nhánh Hải Dương, doanh thu hai năm 2017 và 2018 đều đạt trên 300 tỷ đồng với lãi ròng đạt lần lượt 51 tỷ và 100 tỷ đồng.

Nhiều khu vực tại KĐT Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư vẫn đang trong tình trạng hoang hoá 

Ôm "đất vàng" rồi trì trệ triển khai

Mặc dù được đánh giá là đang sở hữu những mảnh đất đắc địa, có vị trí đẹp hiếm có ở Hà Nội nhưng việc triển khai tiến độ tại những dự án này của Tập đoàn Nam Cường đang gặp rất nhiều vấn đề.

Riêng với những dự án do chính Nam Cường triển khai, sau khi công bố quy hoạch hoành tráng, doanh nghiệp thường để chậm hàng chục năm. Thậm chí, đến khi bắt tay vào thi công thì rơi vào tình trạng chậm tiến độ liên tục. Như khu đô thị Dương Nội, dự án khởi công xây dựng từ năm 2008 trên quỹ đất đối ứng của thành phố. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2015, nhưng đến nay dự án vẫn còn tiếp tục dang dở.

Đến cuối năm 2019, số dư hàng tồn kho tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa kinh doanh bất động sản không còn là mảnh đất màu mỡ của Nam Cường nói chung cũng như các doanh nghiệp bất động sản nói riêng...

Đáng chú ý, hàng tồn kho chủ yếu nằm trong nhóm dự án vướng mắc, bị dừng triển khai làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn.

Có thể kể đến Dự án đường trục kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Nam Cường được giao quỹ đất hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124 ha và Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), quy mô 922 ha. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường buộc phải trả lại cho Hà Nội 2 dự án trên.

Hay như dự án 5,1 km đường trong trục phát triển phía bắc của quận Hà Đông. Điểm đầu tuyến đường thuộc phường Vạn Phúc, điểm cuối thuộc phường Yên Nghĩa. Dự án có tổng mức đầu tư 700 tỉ đồng, Nam Cường được cấp đối ứng tới 200 ha đất ở Dương Nội. Đây được coi là khu vực "đất vàng" bởi sau khi tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông được hoàn thành, giá đất ở đây lên đến 30-40 triệu đồng/m2, trong khi tại thời điểm bàn giao quỹ đất, giá đất được áp vào khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra có 1 khoảng chênh lệch lên tới 200 tỉ đồng giữa giá trị hợp đồng BT và giá trị đối trừ tiền sử dụng đất…

Điều đáng nói, hơn 10 năm qua, dự án BT khu đô thị Dương Nội vẫn "đắp chiếu". Bên cạnh đó, Nam Cường còn một số dự án tại Hà Nội như khu đô thị sinh thái Chúc Sơn (Chương Mỹ) quy mô 750 ha hiện cũng chưa được triển khai xây dựng; KĐT Thạch Phúc với quy mô hơn 500 ha... hiện cũng chỉ là những cánh đồng cỏ hoang. 

Bạn đang đọc bài viết "Dự án BT của Tập đoàn Nam Cường: Bỏ 300 nghìn đồng đổi 1m2 đất vàng ở Hà Nội" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#