Dự án cảng Bến Đình (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi): Cần có câu trả lời về chất lượng công trình

Được khởi công tháng 11/2016, dự kiến hoàn thành tháng 7/2020, nhưng đến nay Dự án cảng Bến Đình (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Thêm nữa, dư luận phản ánh có nhiều chi tiết cho thấy biểu hiện xuống cấp, thi công ẩu của nhà thầu.
Có nhiều nghi ngại về chất lượng thi công tại hạng mục cầu cảng Bến Đình. Ảnh: Minh Khôi

Có nhiều nghi ngại về chất lượng thi công tại hạng mục cầu cảng Bến Đình. Ảnh: Minh Khôi

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông phản ánh, công trình cảng Bến Đình xuất hiện một số lỗi thi công, khiến dư luận nghi ngại về chất lượng, độ an toàn của công trình khi được đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, nhiều vị trí dưới gầm cầu cảng xuất hiện vết nứt, rỉ sét; tại các điểm kết nối giữa dầm cầu cảng với các trụ bê tông xuất hiện khe hở, kết nối không cân xứng, kê ván dầm bằng gỗ rất cẩu thả…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hoàng Ngân, kỹ sư xây dựng cầu đường, chuyên gia tư vấn cho nhiều công trình chuyên ngành tại TP.HCM cho biết, ông ghi nhận và lo ngại nhất là rỉ sét có dạng sọc đứng, điểm chảy rỉ xuất phát ở phía trên ty giằng khi đổ bê tông và tại vị trí tiếp giáp giữa dầm và sàn.

Ngoài ra, theo ông Ngân, không gian dưới gầm cảng Bến Đình còn có vệt rỉ nước màu trắng, điều này có thể do chất lượng xi măng được sử dụng. Ông Ngân lý giải, thông thường, công trình cảng biển phải dùng xi măng bền sunfat để ngăn ngừa thấm, nếu thiết kế xi măng bình thường thì đơn vị thiết kế sai; nếu thiết kế xi măng bền sunfat mà thi công xi măng thường thì đơn vị thi công, giám sát sai. Nếu thiết kế xi măng bền sunfat, thi công bằng xi măng bền sunfat thì xem xét lại chất lượng xi măng của nhà sản xuất. Theo ông Ngân, nên khoan lấy mẫu bê tông tại vị trí rỉ nước màu trắng để xét nghiệm sẽ có câu trả lời.

Trước những nghi ngại về chất lượng công trình, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phan Tiến Hòe, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình thủy Hà Nội (nhà thầu thi công) khẳng định không có vết nứt do thi công mặt bằng cảng và cầu cảng. Ông Hòa cho rằng, đó là vết nhăn của tấm lót sàn được lót vào để đúc bê tông tránh thấm nước, sau khi lột ra để lại vân từ lớp lót chứ không phải vết nứt. Mặt cảng và cầu cảng được đúc bằng bê tông 2 lớp dày 35 cm nên không thể nứt được.

Tuy nhiên, việc để sót lại những tấm ván lót giữa trụ để đổ bê tông sàn cảng cho thấy Nhà thầu thi công ẩu, ảnh hưởng đến kết dính giữa trụ và bề mặt cảng. Ông Hòe thừa nhận đó là sai sót của Nhà thầu nhưng lại đổ lỗi cho khách quan: “Ngoài biển sóng lớn, nhân công tháo ván khuôn gặp chỗ khó nên bỏ sót. Trong số 109 trụ đỡ sàn cảng Bến Đình, có 4 trụ bị sót ván khuôn chưa tháo dỡ, nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình… Vì rất tự tin vào chất lượng công trình, chúng tôi mong các cơ quan tổ chức kiểm định để chứng minh chất lượng thi công”.

Về kế hoạch kiểm định độc lập các dấu hiệu bất thường tại cảng Bến Đình, theo ông Đỗ Vũ Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, Ban đang tiến hành các bước đúng quy định, dự kiến khoảng tuần cuối tháng 6, đơn vị kiểm định sẽ bắt tay vào công việc. Ban đang tổ chức lựa chọn đơn vị kiểm định, lập đề cương danh mục các hạng mục cần kiểm định, lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải… Mục tiêu là đến ngày 1/7/2022 sẽ đưa công trình vào khai thác thử nghiệm theo Đề án UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi đang tổ chức lựa chọn đơn vị kiểm định, lập đề cương danh mục các hạng mục cần kiểm định, lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải… Mục tiêu là đến ngày 1/7/2022 sẽ đưa công trình vào khai thác thử nghiệm theo Đề án UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt.