Dự án di dời bệnh viện hơn 10 năm vẫn trên giấy

Bệnh viện xuống cấp, nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng chỉ được sửa chữa, cơi nới để đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân. Nhiều năm liền với hàng loạt công văn, phương án, cuộc họp nhưng tình hình vẫn giậm chân tại chỗ.

Bệnh viện xuống cấp, nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng chỉ được sửa chữa, cơi nới để đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân. Nhiều năm liền với hàng loạt công văn, phương án, cuộc họp nhưng tình hình vẫn giậm chân tại chỗ.

Di dời qua bệnh viện mới vẫn còn là phương án nằm trên giấy đối với Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sài Gòn, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.

Dự án di dời bệnh viện hơn 10 năm vẫn trên giấy - ảnh 1

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM

DUY TÍNH

Nhiều năm chờ bệnh viện mới

BVĐK Sài Gòn (tại 124 Lê Lợi, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) là một điển hình cho công tác di dời, xây mới bệnh viện trên giấy. Bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc BVĐK Sài Gòn, cho biết BV đã có phương án di dời từ năm 2006, đến nay đã 16 năm vẫn chưa nhúc nhích. BV cũng chỉ sửa chữa cầm chừng trên tòa nhà cũ được xây cách đây 83 năm.

Theo lãnh đạo BVĐK Sài Gòn, sau nhiều lần họp bàn dự án, đến năm 2017, BV được các sở ngành TP.HCM tham mưu lãnh đạo TP.HCM thực hiện dự án theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tại khu Mả Lạng, Q.1. Theo đó, dự án có quy mô 300 giường do Tập đoàn Bitexco thực hiện. Thời điểm đó, đây được xem là phương án khả thi nhất. Do đó, mọi việc đầu tư cho cơ sở hiện tại phải dừng lại để chuẩn bị qua BV mới. Mặt bằng của BV sẽ giao cho nhà đầu tư khi BV mới xây xong.

Số phận BV Chấn thương chỉnh hình không biết nói sao, BV nào cũng xây được còn BV Chấn thương chỉnh hình không xây được, chỉ còn sửa chữa để hoạt động thôi

Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM

Chờ mãi không thấy BVĐK Sài Gòn mới được thực hiện, đến ngày 21.5.2020, Sở Y tế có thông báo sẽ chuyển trụ sở BVĐK Sài Gòn sang BV Chấn thương chỉnh hình khi BV này di dời đi. Ngày 6.4.2021, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án thuộc lĩnh vực y tế. Trong đó, lãnh đạo UBND TP.HCM giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất vị trí và hình thức đầu tư khả thi đối với BVĐK Sài Gòn và BV Chấn thương chỉnh hình.

Đến ngày 15.4.2021, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi Sở KH-ĐT để xem xét và cấp vốn ngân sách để nâng cấp và cải tạo BVĐK Sài Gòn. Lý do, trước đó lãnh đạo TP.HCM có phương án di dời BVĐK Sài Gòn ra cửa ngõ TP, nhưng qua rà soát thì quỹ đất y tế tại các cửa ngõ không còn. Trong khi đó, dự án BT nhà đầu tư Bitexco không thực hiện được. Mới đây, theo Ban quản lý các công trình dân dụng và công nghiệp thì ngân sách đã cấp cho việc sửa chữa, cải tạo BVĐK Sài Gòn là 30,8 tỉ đồng, dự án đã hoàn thành.

Như vậy, tốn rất nhiều cuộc họp bàn thảo sau rất nhiều năm, dự án BVĐK Sài Gòn vẫn chưa có tiến triển gì mới. Lãnh đạo BVĐK Sài Gòn cho rằng muốn BV phát triển, thu hút bệnh nhân thì phải có cơ sở vật chất tốt, đầu tư trang thiết bị và con người. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất như hiện nay và vốn cấp sửa chữa vài chục tỉ đồng là không thấm vào đâu so với yêu cầu.

Dự án di dời bệnh viện hơn 10 năm vẫn trên giấy - ảnh 2

Bệnh viện đa khoa Sài Gòn hơn 16 năm vẫn chưa được di dời

Không còn quỹ đất để xây dựng ?

BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Là BV chuyên khoa tuyến cuối khu vực phía Nam, nhưng BV Chấn thương chỉnh hình chật hẹp và luôn trong tình trạng quá tải. Ngày 11.7.2019, ký túc xá Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng ngay sát vách BV phát cháy; cán bộ, y bác sĩ được BV huy động toàn lực sơ tán để bệnh nhân.

Trước đó, dự án BV Chấn thương chỉnh hình mới được khởi động từ năm 2009 để thay thế BV hiện hữu. Dự án BV Chấn thương chỉnh hình mới được lập thiết kế xây dựng từ năm 2009, địa điểm tại Khu 6A, Khu chức năng số 6, Đô thị mới Nam Sài Gòn (H.Bình Chánh). BV Chấn thương chỉnh hình mới đã thi thiết kế, bảo vệ thiết kế vào năm 2014. Năm 2016, Sở Y tế TP.HCM thông báo BV Chấn thương chỉnh hình mới xây trên diện tích 5,2 ha, quy mô 500 giường, tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.680 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào quý 2/2017.

Tháng 5.2018, Sở KH-ĐT đã báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây mới BV Chấn thương chỉnh hình theo hình thức BT. Theo báo cáo này, dự án BV Chấn thương chỉnh hình tọa lạc trên diện tích 5,6 ha, 11 tầng với hơn 70.000 m2 sàn xây dựng. Tổng vốn đầu tư là 2.166 tỉ đồng, trong đó 1.230 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản. Đối tác đầu tư là Tổng công ty CP đền bù giải tỏa. Dự kiến TP.HCM sẽ hoán đổi 4 lô đất thuộc khu dân cư phía Bắc, số 4 trên trục lộ Đại lộ vòng cung, Khu đô thị Thủ Thiêm cho nhà đầu tư và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính pháp lý. Đến thời điểm 2019, công tác giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục.

Mới đây, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo BV Chấn thương chỉnh hình cho biết, dự án đã không còn thực hiện. “Nghe nói có 2 khu đất đề xuất xây BV Chấn thương chỉnh hình mới nhưng cũng không thấy gì. Số phận BV Chấn thương chỉnh hình không biết nói sao, BV nào cũng xây được còn BV Chấn thương chỉnh hình không xây được, chỉ còn sửa chữa để hoạt động thôi”, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình, chia sẻ.

Một cán bộ phụ trách các dự án xây dựng thuộc Sở Y tế cho hay, các dự án BT đã được dừng. Nói về phương án thay thế phương án BT, vị cán bộ này cho hay TP.HCM cũng không còn quỹ đất để xây dựng BVĐK Sài Gòn cũng như BV Chấn thương chỉnh hình nên 2 dự án BV trên cũng chưa có phương án mới nào.

Một số dự án bệnh viện gặp khó khăn bàn giao mặt bằng

Dự án xây dựng mới BVĐK khu vực Thủ Đức (dự án nhóm A) khởi công tháng 11.2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2023. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 1.891 tỉ đồng, đã giải ngân gần 67 tỉ đồng (21.12.2021).

Dự án xây dựng mới BVĐK khu vực Hóc Môn (dự án nhóm A) khởi công vào tháng 1.2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2023. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản 1.894, đã giải ngân hơn 688,8 tỉ đồng (21.12.2021).

Dự án xây dựng mới BVĐK Củ Chi (dự án nhóm A) khởi công tháng 1.2021, dự kiến hoàn thành tháng 12.2021. Vốn đầu đầu tư 1.854 tỉ đồng, đã giải ngân gần 598 tỉ đồng (21.12.2021).

Dự án cải tạo, xây dựng BV An Bình (giai đoạn 2), khởi công tháng 11.2021, dự kiến hết năm 2023 hoàn thành. Vốn đầu tư 589,6 tỉ đồng, đã giải ngân 98,7 tỉ đồng (21.12.2021).

Dự án sửa chữa, cải tạo BVĐK Sài Gòn đã hoàn thành. Vốn đầu tư là 30,8 tỉ đồng, giải ngân 28,5 tỉ đồng (31.12.2021).

Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải BV Phạm Ngọc Thạch đã hoàn thành và đang vận hành chạy thử. Vốn đầu tư 40,7 tỉ đồng, đã giải ngân 29,6 tỉ đồng (21.12.2021).

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM thì các dự án BVĐK khu vực Thủ Đức, BVĐK khu vực Hóc Môn, BV An Bình có gặp khó khăn là các BV này chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng.