Loạt sai phạm nghiêm trọng khi phát triển điện mặt trời
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại một số đơn vị điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam có số lượng và quy mô điện mặt trời mái nhà lớn đưa vào vận hành trước ngày 1.1.2021.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Điện lực TPHCM... cũng thuộc diện kiểm tra và phát hiện một loạt sai phạm.
Trong đó, hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm như ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương; thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ;
Thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải - trái quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ các biên bản làm việc của đoàn kiểm tra tại những dự án điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cho rằng, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và TPHCM chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền.
Cụ thể, một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021, nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt...), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021, nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương cho hay, EVN thực hiện chưa đầy đủ quy định tại điểm a, khoảng 1, Điều 8 Thông tư 18 ngày 17.7.2020 của Bộ Công Thương, dẫn đến những đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà.
Việc EVN uỷ quyền cho các đơn vị thực hiện, nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời đã dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.
Bộ Công Thương có trách nhiệm?
Trong bản kết luận, không có dòng nào nói về vai trò và trách nhiệm của Bộ Công Thương khi để doanh nghiệp "dính" hàng loạt sai phạm về việc phát triển các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà - dù Bộ này là đơn vị xây dựng và đề xuất cơ chế giá cho điện mặt trời.
Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia năng lượng cho biết, sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời trong giai đoạn 2018 - 2020 có nguyên nhân là do giá mua điện cao theo Quyết định 11 năm 2017 và Quyết định 13 năm 2020 dành cho điện mặt trời.
Với mức giá mua điện chốt cứng, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN đang bán đến tay hơn 28 triệu hộ tiêu thụ trong cả nước, các nhà đầu tư điện mặt trời không cần phải đàm phán giá điện để nhanh chóng bắt tay vào phát triển dự án.
Điều này đã khiến các dự án năng lượng tái tạo tăng trưởng đột biến về công suất, từ chỗ chỉ có 5 MW điện mặt trời trước khi có Quyết định 11, đã tăng lên đạt 17.000 MW vào ngày 1.1.2021.
Sự phát triển quá nhanh các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà đã gây ra những hạn chế trong kiểm soát quy mô và kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Hệ luỵ là có những công trình phát điện rất lớn, nhưng "núp bóng" và lợi dụng danh nghĩa... làm điện mặt trời mái nhà.
"Việc phát triển mất kiểm soát này dẫn đến công suất tăng thêm quá lớn, dẫn đến cắt giảm công suất các nhà máy điện hiện có đang vận hành gây thất thoát lớn cho các nhà máy điện của nhà nước, cũng như thiệt hại cho các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư một cách đúng luật và bài bản trước đó.
Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị xây dựng và đề xuất cơ chế giá cho điện mặt trời không thể vô can trong việc này", chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, việc các nhà máy vận hành trước đó bị cắt giảm công suất, điện lực các địa phương phải đầu tư thêm đường dây và trạm để giải toả công suất đã gây thiệt hại lớn về vốn đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, trong khi Bộ Công Thương không có hướng dẫn thì đó là trách nhiệm của bộ này", chuyên gia nói.