Dự án nói trên có tổng mức đầu tư 10.986 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Dự án có 10 gói thầu xây lắp lớn (từ Gói thầu số 11 - 20). Gói thầu số 11 có giá 1.387,582 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, đóng thầu ngày 5/5/2022 với 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).
Kết quả, nhà thầu trúng thầu là Liên danh HAN - CC1 với giá trúng thầu 1.381,096 tỷ đồng (giảm 6,486 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ giảm giá 0,4% sau đấu thầu); thời gian thực hiện hợp đồng 289 ngày (rút ngắn 11 ngày so với kế hoạch), hợp đồng theo đơn giá cố định. Liên danh HAN - CC1 cũng là nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, được mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Trong Liên danh, HAN đảm nhận 75% khối lượng công việc (tương ứng 1.035,822 tỷ đồng); CC1 đảm nhận 25% khối lượng công việc (tương ứng 345,274 tỷ đồng).
Danh sách 4 nhà thầu phụ của Gói thầu số 11 được ACV phê duyệt gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Phúc Tường Vinh (thi công đào đắp nền đất và phá dỡ, dọn dẹp mặt bằng); Công ty CP FECON và Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Lộc (thi công phần cọc và móng công trình); Liên danh Công ty CP Tư vấn kiểm định xây dựng và giao thông phía Nam - Công ty CP Tư vấn quản lý dự án xây dựng CMAXX (thực hiện công tác thí nghiệm); Liên danh Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC - Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng kinh doanh nhà (thiết kế bản vẽ thi công).
Theo tìm hiểu, 2 đối thủ của Liên danh HAN - CC1 tại gói thầu này đều không đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm và bị loại ở vòng kỹ thuật. Cụ thể, Liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Huy Hoàng - Công ty CP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh bị loại vì Công ty CP Đầu tư và Thương mại Huy Hoàng không có tài liệu chứng minh việc không nợ đọng thuế, có doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính của các thành viên Liên danh không đáp ứng yêu cầu của HSMT; không có hợp đồng tương tự đáp ứng tiêu chí HSMT; không có hợp đồng thiết kế bản vẽ thi công công trình tương tự…
Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty CP Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam bị loại vì Công ty CP Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam không nộp báo cáo tài chính, ngay cả sau khi Chủ đầu tư gửi văn bản yêu cầu làm rõ HSDT nên không có cơ sở đánh giá kết quả hoạt động tài chính và doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng; là thành viên phụ trách thiết kế bản vẽ thi công nhưng không có hợp đồng thiết kế bản vẽ thi công công trình tương tự đáp ứng yêu cầu của HSMT; không có tài liệu chứng minh nguồn lực tài chính để thực hiện Gói thầu. Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng không có hợp đồng tương tự đáp ứng điều kiện của HSMT, không chỉ rõ nguồn lực tài chính huy động cho Gói thầu…
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban Quản lý dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, việc chậm trễ khởi công Dự án thời gian qua là do vướng về cơ chế đền bù, giải tỏa 16,05 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý (trên thực tế chỉ vướng về cơ chế chuyển giao để thi công công trình chứ không phải đền bù, giải phóng). Sau khi “nút thắt” này được tháo gỡ, dự kiến trong tháng 7/2022, Gói thầu số 11 sẽ được khởi công. Chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu đang thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.
Theo kế hoạch, 9 gói thầu xây lắp còn lại của Dự án đều có thời gian lựa chọn nhà thầu trong quý II/2022 nhưng do Gói thầu số 11 (liên quan đến phần móng, phần ngầm) chưa khởi công xây dựng nên Chủ đầu tư chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu. Để dự toán các gói thầu này sát với thực tế (thời gian mời thầu và thời gian bắt đầu thi công không quá xa nhau), ACV dự kiến phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu 9 gói thầu này vào quý IV/2022. Việc tổ chức thi công, triển khai các hạng mục công trình sẽ thực hiện theo lộ trình “cuốn chiếu” để đảm bảo tổng thể tiến độ hoàn thành Dự án.