UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu Cục Thuế tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cung cấp hồ sơ, phối hợp đôn đốc các chủ đầu tư dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, trong đó đề cập dự án Khu biệt thự Rivera Park.
Là đất trồng cây lâu năm…
Dự án Khu biệt thự Rivera Park tọa lạc tại Khu 1, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn cao từ 9 đến 12 tầng, với hơn 150 căn biệt thự có diện tích từ 250 - 300m2, với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng.
Thời gian hoạt động dự án Rivera Park Mũi Né là 50 năm, kể từ ngày 19/9/2007. Tính đến thời điểm hiện tại, nếu chưa điều chỉnh hồ sơ sử dụng đất, thời hiệu sử dụng đất còn 36 năm. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (Long Giang Land - mã CK: LGL) làm chủ đầu tư, thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Minh Phát.
Phối cảnh dự án Rivera Park Mũi Né. |
Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, Công ty Minh Phát được gia hạn tiến độ sử dụng đất tại Quyết định số 1134/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh đối với dự án Khu biệt thự Rivera Park.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận, Công ty Minh Phát được cho thuê đất với diện tích gần 9,5ha. Mặc dù sử dụng đất để làm dự án, nhưng 14 năm nay, toàn bộ diện tích đất trên chưa được chuyển đổi thành thương mại dịch vụ.
Ngày 1/7/2021, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị rà soát hồ sơ giao đất, thuê đất, cung cấp thông tin đối với dự án Rivera Park của công ty này. Tuy nhiên, do dự án Rivera Park là đất trồng cây lâu năm nên Sở không đủ cơ sở để thông báo gia hạn tiền sử dụng đất.
Cục Thuế tỉnh đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát hồ sơ, chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện luân chuyển hồ sơ dự án sang cơ quan thuế để xử lý, thông báo nghĩa vụ tài chính kịp thời cho doanh nghiệp.
Không thực hiện nghĩa vụ tài chính, Rivera Park… gây thất thoát ngân sách Nhà nước
“Rivera Park rơi vào trường hợp dự án được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất kịp thời, gây lãng phí nguồn tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước” - bà Trần Thị Diệu Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận khẳng định.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, hồ sơ pháp lý của dự án này là chưa hoàn thiện, doanh nghiệp có dấu hiệu nợ động thuế với số tiền rất lớn; cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan. Về nguyên tắc, việc sử dụng đất phải đúng mục đích, đúng thời hạn sử dụng. Việc chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện được thì chưa được phép xây dựng. Nếu dự án đã được triển khai, xây biệt thự để kinh doanh nhưng vẫn là đất trồng cây lâu năm thì phải xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp này.
“Doanh nghiệp cần phải hoàn thiện thủ tục pháp lý trước khi khởi công dự án. Đối với việc nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính khác, cơ quan thuế có quyền xử phạt, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp hành chính để cưỡng chế thuế. Trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chứng tỏ năng lực yếu kém, hoặc ý thức chấp hành pháp luật hạn chế nên cơ quan chức năng có thể cân nhắc đối với các dự án tiếp theo. Đối với các dự án vi phạm quy định về xây dựng, về đầu tư, về kinh doanh bất động sản thì chính quyền địa phương có trách nhiệm xác minh làm rõ các hành vi vi phạm, căn cứ vào các chế tài của pháp luật để tiến hành xử lý theo quy định, tránh trường hợp vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận” - luật sư Cường nói.
Theo luật sư, để một dự án xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài như vậy mà vẫn không được giải quyết triệt để, cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý đầu tư, quản lý xây dựng ở địa phương.
Được biết, ngày 4/11/2020, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang đã tổ chức lễ động thổ dự án Rivera Park Mũi Né, đây là dự án đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của doanh nghiệp này tại thị trường bất động sản Mũi Né, thuộc loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.
“Chúa chổm” nợ thuế Long Giang Land?
Long Giang Land được thành lập vào năm 2001 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng; sau nhiều lần tăng vốn, hiện giờ đạt 500 tỷ đồng.
3 cổ đông lớn của Long Giang Land gồm: Chủ tịch Lê Hà Giang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 21,37% vốn. Tập đoàn Long Giang nắm 20,21% và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nắm giữ 11,65%.
Theo danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đến thời điểm 31/5/2021 do Cục Thuế Hà Nội công khai, Long Giang Land được nhắc tên với số nợ 52,81 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng là đơn vị đứng đầu danh sách hơn 200 công ty nợ thuế, mà Cục Thuế Hà Nội thông báo, tính đến hết ngày 31/7/2020. Điều đáng nói là vào tháng 4/2020, doanh nghiệp của Chủ tịch Lê Hà Giang bị cưỡng chế thuế gần 5,4 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT là hơn 4,8 tỷ đồng; tiền chậm nộp thuế TNCN là hơn 47,7 triệu đồng; tiền chậm nộp thuế GTGT là 243,4 triệu đồng và tiền thuế TNCN là 290 triệu đồng.