Dự án Siêu thị Co.opmart tại Khánh Hòa, Kon Tum: 'Mọc' trên đất công, có dấu hiệu gây thất thu ngân sách

Hai dự án siêu thị Co.opmart tại Khánh Hòa và Kon Tum 'ôm' hàng ngàn mét vuông đất công, xây dựng trái quy hoạch và có dấu hiệu gây thất thu ngân sách nhà nước.

Siêu thị Co.opmart tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa)

Co.opmart Nha Trang: Xây dựng sai quy hoạch trên đất công

Dù xây dựng sai quy hoạch trên đất công ngay nút giao Lê Hồng Phong - Tố Hữu tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhưng nhiều năm qua, siêu thị Co.opmart Nha Trang vẫn ung dung hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, khu đất 4.354 m2 này vốn đã được quy hoạch làm trụ sở cơ quan, văn phòng. Thế nhưng, không hiểu xuất phát từ đâu, UBND tỉnh Khánh Hòa lại cho phép chủ đầu tư đầu tư xây dựng Dự án Siêu thị Co.opmart Nha Trang.

Việc siêu thị này “mọc” trên đất công, theo Thanh tra Chính phủ, là sai quy hoạch. Công ty cổ phần Xe hàng Khánh Hòa (không có chức năng kinh doanh siêu thị) đã cho thuê lại đất, để doanh nghiệp đầu tư xây dựng Dự án sai quy hoạch.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý việc Công ty cổ phần Xe hàng Khánh Hòa liên doanh, liên kết xây dựng siêu thị Co.opmart Nha Trang sai quy hoạch; rà soát, tính lại tiền sử dụng đất, chống thất thoát ngân sách.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Tổ Công tác rà soát, khắc phục các sai phạm theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác.

“Tổ công tác đang khẩn trương rà soát, báo cáo các biện pháp khắc phục, trong đó có Dự án Siêu thị Co.opmart Nha Trang”, Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho hay.

Đến thời điểm này, trong khi cơ quan chức năng đang “khẩn trương rà soát”, siêu thị Co.opmart Nha Trang vẫn hoạt động bình thường.

Co.opmart Kon Tum: “Thiếu tiền thuê đất”

Dự án Đầu tư xây dựng Siêu thị Co.opmart Kon Tum (gọi tắt là Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum, do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM làm chủ đầu tư) tại số 205 - đường Lê Hồng Phong (TP. Kon Tum) có diện tích 8.653,7 m2.

Năm 2016, UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum tổ chức xác định giá trị tài sản còn lại trên diện tích đất nhằm tạo mặt bằng sạch phục vụ đấu giá đất và tham mưu phương án đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngày 5/7/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum có văn bản gửi Tổng cục Quản lý đất đai và được Tổng cục Quản lý đất đai phúc đáp tại Văn bản số 1198/QCQLĐĐ-CQHĐĐ ngày 7/7/2016 với nội dung: Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, nên được miễn tiền thuê đất và không phải đấu giá đất. Tuy nhiên, diện tích đất thực hiện Dự án có nguồn gốc là đất công, do Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum) quản lý, sử dụng. Việc UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất, mà không sắp xếp, xử lý tài sản công là không đúng quy định tại Điều 2, Điều 4, Điều 5, Điều 7 Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 4, Điều 43, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP, ngày 3/6/2009 của Chính phủ.

Thực tế, khu đất 8.704,3 m2 là một thửa đất liền thửa đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum bàn giao cho chủ đầu tư quản lý từ tháng 1/2017, nhưng được tách thành 2 phần, cho thuê làm 2 lần.

Trong khi chưa có quyết định đơn giá đất cho phần diện tích cho thuê lần đầu (5.425,9 m2), thì ngày 2/8/2017, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục có văn bản thống nhất cho thuê thêm phần còn lại với diện tích 3.227,3 m2, nhưng không chỉ đạo xác định giá đất cụ thể cho toàn bộ thửa đất đã làm tăng chi phí xác định giá đất cụ thể làm 2 lần, dẫn đến có thể chưa xác định hết giá trị lợi thế thương mại của thửa đất có 3 mặt tiền.

Đối với phần diện tích 3.227,3 m2 (thuê bổ sung), Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 145/QĐ-UBND, ngày 6/2/2018 về việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho thuê 3.227,3 m2 để thực hiện Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum khi chưa điều chỉnh quy hoạch là vi phạm Điều 14 Luật Đất đai (năm 2013).

Thanh tra Chính phủ xác định, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt giá đất cụ thể khi Chứng thư thẩm định giá đất của Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam hết hiệu lực là sai, vi phạm khoản 3, Điều 32 Luật Giá (năm 2012) và Tiêu chuẩn thẩm định giá số 06 ban hành tại Thông tư số 28/2015/TT-BTC, ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính.

Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư, chưa nộp tiền thuê đất, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum không đề xuất chấm dứt hoạt động, mà lại có Văn bản số 2752/SKHĐT-DN, ngày 26/12/2019 với nội dung: “Đề xuất triển khai hoạt động kinh doanh trên phần diện tích đất khu vui chơi trẻ em, công viên cây xanh”.

Theo Thanh tra Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đề xuất sử dụng đất như trên là sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai (năm 2013), không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Còn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum thì tùy tiện, lạm quyền khi có văn bản (ngày 27/4/2020) gửi Cục Thuế tỉnh Kon Tum đề nghị tính tiền thuê đất theo Quyết định số 670/QĐ-UBND, ngày 1/7/2019 của UBND tỉnh khi chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Kiểm tra hiện trạng Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, chủ đầu tư đã lát nền bê tông toàn bộ, làm bãi để xe ô tô không có mái che, xây dựng nhà để xe có mái che, dựng dãy ki-ốt cho thuê mặt góc đường Lê Hồng Phong - Bà Triệu, nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là buông lỏng quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính của Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum là thiếu trách nhiệm, có nguy cơ làm thất thu ngân sách, đã để doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuê đất phải nộp trong khoảng 15 tháng với số tiền là 68.326,321 triệu đồng từ ngày 1/7/2019 (thời điểm ban hành quyết định giá đất) đến thời điểm thanh tra (tháng 10/2020), cần phải xử lý kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc.

Địa phương giải trình ra sao?

Giải trình với Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2015, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Kon Tum ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ các thủ tục pháp lý để TP.HCM giới thiệu doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực siêu thị thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư và người dân có nhu cầu, nên khi Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM đề xuất đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư thực hiện dự án với lĩnh vực mà địa phương đang cần.

UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, tỉnh không sắp xếp, xử lý tài sản công, nhưng đã tổ chức xác định giá trị còn lại đảm bảo theo quy định, nhà đầu tư đã bồi thường tài sản trên đất trước khi đầu tư xây dựng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum chấn chỉnh, chấm dứt việc giao đơn vị tham mưu sắp xếp, xử lý tài sản công không đúng quy định pháp luật; xử lý những nội dung phát sinh do không sắp xếp tài sản khi thực hiện Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum theo đúng quy định của pháp luật.

“Trường hợp thiếu tiền thuê đất, thì phải thu hồi, tránh làm thất thu ngân sách nhà nước”, Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Đối với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân có liên quan, Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải khắc phục đầy đủ các vi phạm, trước khi cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án hoặc vận hành đưa vào khai thác, sử dụng.