Dù báo lãi, Hanoimilk vẫn bấp bênh khả năng phục hồi

Triển vọng phục hồi kinh doanh của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) vẫn là dấu hỏi lớn, dù doanh nghiệp báo lãi tăng trong nửa đầu năm 2021.

Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk).

Có lãi, nhưng chưa hết lo

Kết thúc quý II/2021, báo cáo tài chính của Hanoimilk cho thấy những số liệu tích cực, với doanh thu thuần tăng 79,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 97 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 19,5% lên 20,5%, giúp lợi nhuận gộp đạt 19,9 tỷ đồng, tăng 88,8%. Mặc dù các chi phí bán hàng, quản lý và chi phí tài chính đều gia tăng, nhưng Công ty vẫn thu về 6,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong riêng quý II/2021, đảo chiều so với mức lỗ 1,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, Hanoimilk ghi nhận 141,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 51,2% so với nửa đầu năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 7,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 109 triệu đồng cùng kỳ năm trước.

Theo ông Lê Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk, sự tích cực trong kết quả kinh doanh quý II đến từ doanh thu bán hàng và gia công trong nước tăng, lại có thêm doanh thu xuất khẩu, trong khi chi phí giá vốn giảm do lượng sản xuất tăng còn chi phí khấu hao giảm.

Khởi đầu tích cực trong nửa đầu năm, đặc biệt là sự bứt phá của quý II đem đến cho Hanoimilk triển vọng đạt kết quả kinh doanh năm 2021 khả quan nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy vậy, cần lưu ý số liệu tài chính của Công ty vừa công bố là số liệu tại báo cáo tự lập, chưa có sự soát xét của kiểm toán. Trong khi đó, những năm trước, Công ty khá thường xuyên có sự chênh lệch giữa số liệu trên báo cáo tự lập và báo cáo sau kiểm toán.

Chẳng hạn, năm 2018 và năm 2019, báo cáo tài chính tự lập của Hanoimilk ghi nhận lãi trước thuế lần lượt là 1,17 tỷ đồng và 1,44 tỷ đồng, nhưng theo báo cáo kiểm toán được công bố, lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán lỗ lần lượt là 47,6 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II/2021, tổng tài sản của Hanoimilk là hơn 437,2 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn có giá trị lớn nhất với 207,7 tỷ đồng, tăng 24,5% so với đầu năm và chiếm 47,5% tổng tài sản. Giá trị hàng tồn kho 120,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6%. Riêng 2 khoản mục này đã chiếm đến 3/4 tổng tài sản. Trong khi đó, giá trị tài sản cố định hữu hình chỉ còn lại 59,2 tỷ đồng, tương đương hơn 1/4 nguyên giá và chiếm 13,5% tổng tài sản.

Tồn kho và phải thu chiếm tỷ trọng cao, vòng quay các khoản phải thu, tồn kho thấp ẩn chứa những rủi ro về chất lượng lợi nhuận, cũng như nguy cơ phải trích lập dự phòng. Trong khi đó, giá trị tài sản cố định hầu như ít thay đổi qua nhiều năm cho thấy sự hạn chế về đầu tư mới, tỷ lệ khấu hao cao cũng đem đến nguy cơ lạc hậu về máy móc, thiết bị.

Tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn của Hanoimilk đang ở mức khá cao với 46%, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên đến 1,65 lần, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Điều này một mặt khiến chi phí lãi vay bào mòn đáng kể lợi nhuận, mặt khác là áp lực nên dòng tiền trả nợ khi mà dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty cũng không mấy dồi dào.

Dấu hỏi về tính khả thi trong định hướng chiến lược

Hanoimilk từng là thương hiệu lớn trên thị trường sữa trong nước, với những sản phẩm sữa mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti, Sữa tươi Hanoimilk 100%... được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, hơn chục năm qua, trong khi các doanh nghiệp như Vinamilk, TH True Milk, Sữa Quốc tế… liên tục tăng trưởng, thì kết quả kinh doanh của Hanoimilk ngày càng đi xuống.

Quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ, sức khỏe tài chính yếu, thị phần bị thu hẹp được đánh giá là các hạn chế của Hanoimilk trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp sữa đầu ngành, có quy mô tài sản, nguồn vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thương hiệu mạnh và sản phẩm đã phủ rộng hầu hết các phân khúc thị trường.

Trong báo cáo thường niên năm 2021, Hanoimilk đánh giá, với mức đầu tư, quảng bá thương hiệu như hiện tại, doanh thu bán hàng chỉ đạt mức 200 tỷ đồng/năm, chưa thể tạo ra lợi thế quy mô để giảm tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí sản xuất trên doanh thu và gia tăng lợi nhuận. Các công ty sữa lớn cạnh tranh khốc liệt để giữ thị phần đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại lớn khiến việc bán hàng của Công ty gặp nhiều khó khăn, Ban giám đốc phải tăng chi phí khuyến mại, nhưng vẫn thấp hơn các đối thủ.

Ngoài ra, do thiếu vốn lưu động, Công ty không thể mua trước, tăng dự trữ nguyên vật liệu và sản xuất hàng tồn kho. Vì vậy, một số thời điểm, khi nhu cầu mua hàng của nhà phân phối tăng, Công ty không có đủ hàng để cung cấp kịp thời.

Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Hanoimilk đã thông qua phương án chào bán 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều từ 200 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng với giá chào bán không thấp hơn mệnh giá. Ngoài ra, Công ty còn lên phương án phát hành 200 tỷ trồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 2 năm, giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu.

Số tiền huy động được dự kiến dùng để xử lý nợ, đầu tư đổi mới công nghệ, tăng công suất nhà máy chế biến sữa UHT, tăng công suất nhà máy chế biến sữa chua ăn, thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò sữa tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có đợt tăng vốn nào được thực hiện.

Với tình hình hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu “trở thành một trong 3 công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm từ sữa; công ty số 1 về các sản phẩm sữa danh cho trẻ em” như định hướng chiến lược của Hanoimilk bị đặt dấu hỏi về tính khả thi.