Du lịch Việt Nam thời hậu COVID-19: Tâm thế mới

Sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 đã gây ra những thiệt hại đáng kể đến nhiều ngành kinh tế trên thế giới, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước thực trạng trên, hàng loạt các giải pháp cấp bách đã được đưa ra nhằm giúp du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Phát triển du lịch bền vững

Du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, được xem là “ngành công nghiệp không khói” và đóng góp khoản thu lớn vào ngân sách nhà nước.

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục phức tạp, dự báo bức tranh du lịch toàn cầu những tháng đầu năm 2022 vẫn chưa có dấu hiệu tươi sáng. Thị trường nội địa vẫn giữ vai trò cốt yếu, thị trường du lịch quốc tế cần thời gian khôi phục lâu hơn kể cả khi dịch bệnh kết thúc. Do vậy, du lịch Việt Nam cũng đã chuẩn bị tâm thế để bước vào năm 2022 với quyết tâm, nỗ lực tìm một hướng đi phù hợp.

 

Du lịch Việt Nam cũng đã chuẩn bị tâm thế để bước vào năm 2022 với quyết tâm, nỗ lực tìm một hướng đi phù hợp.

Du lịch Việt Nam cũng đã chuẩn bị tâm thế để bước vào năm 2022 với quyết tâm, nỗ lực tìm một hướng đi phù hợp.

 

Sau nhiều tháng đóng băng do đại dịch COVID-19, bắt đầu từ tháng 11/2021, Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tếtheo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn.

Trong giai đoạn này có 5 địa phương đón khách du lịch quốc tế gồm: TP Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Mặc dù còn băn khoăn, lo ngại cũng như phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, không chỉ với cơ quan quản lý mà còn cả với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành nhưng việc mở cửa du lịch là vô cùng cấp thiết, không thể trì hoãn thêm. Mở cửa du lịch, đón khách quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phục hồi kinh tế, tạo việc làm cho lao động.

Thí điểm du lịch hộ chiếu vaccine

Theo Báo cáo của Liên hiệp quốc, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 73% trong năm 2020. Quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm vượt 88%. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 18/11/2021 cho biết, Philipin, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Mông Cổ đã ghi nhận 1/3 số việc làm mất đi do dịch COVID-19 thuộc ngành du lịch. Mức tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch trong năm 2020 cao hơn gấp 4 lần so với các ngành khác.

Tính chung cả năm 2020 và 11 tháng năm 2021, Việt Nam chỉ đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế, rất thấp so với con số 18 triệu lượt khách của năm 2019. Trong đó chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam, du học sinh và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu. Việc đóng cửa du lịch quốc tế do dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch. Tổng số lượt khách quốc tế do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 chỉ đạt 3,6 triệu lượt khách, do các công ty lữ hành phục vụ chỉ đạt 1,2 triệu lượt khách, giảm đến 80% so với năm 2019. Sang đến năm 2021 tình hình cũng chưa khả quan hơn. Các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành đang đứng trước nguy cơ không thể vực dậy được.

Trong tháng 11, sau nhiều cân nhắc và chuẩn bị, chuyến bay đưa đoàn du khách từ Seoul, Hàn Quốc đến Việt Nam đã hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đây là những khách du lịch quốc tế đầu tiên trở lại Việt Nam theo chương trình thí điểm có hộ chiếu vaccine. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam sau nhiều tháng khốn khó vì dịch bệnh. Thành công của chương trình thí điểm sẽ tạo tiền đề cho việc mở cửa du lịch quốc tế ở các địa phương khác. Tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Chỉ khi mở cửa trên diện rộng, du lịch mới hồi sinh hiệu quả.

Phục hồi theo hướng thích ứng, an toàn

Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch cần xác định, không phải cứ mở cửa là có khách. Việc đón khách quốc tế trong bối cảnh mới sau COVID-19 đòi hỏi nhiều điều kiện phải thay đổi, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực đều có những chính sách riêng để thu hút khách.

 

Ngành du lịch Việt sẵn sàng cho phục hồi theo hướng thích ứng, an toàn

Ngành du lịch Việt sẵn sàng cho phục hồi theo hướng thích ứng, an toàn

Hiện, chương trình du lịch mới đang trong giai đoạn “thí điểm”, số lượng khách quốc tế chưa nhiều. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều vấn đề cần xem xét, nhiều rào cản cần được gỡ bỏ. Để du lịch quốc tế mở cửa thì hàng không cũng cần mở cửa, các chuyến bay thẳng quốc tế phải sẵn sàng để phục vụ du khách. Mặt khác, cần có sự thống nhất về tiêu chí, điều kiện đón khách an toàn giữa các địa phương và sự liên kết vùng du lịch với những địa phương gần nhau hoặc có chung yếu tố dịch tễ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, trong đó đối với hoạt động du lịch tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể, bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch. Đây là những nỗ lực Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương nhằm phục hồi du lịch theo hướng thích ứng an toàn, phù hợp với điều kiện bình thường mới.