Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: "Trong khi các quốc gia kêu gọi sử dụng vắc xin COVID-19, nhưng tình hình trở nên ngược lại với các loại vắc xin khác, khiến trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được như sởi, bại liệt hoặc viêm màng não. Việc có thể bùng phát dịch các loại bệnh khác sẽ là thảm họa đối với các cộng đồng và hệ thống y tế đang phải chống chọi với COVID-19, vậy nên việc đầu tư tiêm chủng cho trẻ em và đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận là cấp thiết hơn bao giờ hết."
So với năm 2019, có thêm 3,5(1) triệu trẻ em bỏ lỡ liều vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà đầu tiên (DTP-1) trong khi đó số lượng bỏ lỡ liều vắc xin sởi đầu tiên là 3(1) triệu trẻ em.
Mối quan tâm không chỉ dành cho các bệnh dễ bùng phát. Với tỷ lệ thấp, việc tiêm vắc xin chống lại vi rút gây u nhú ở người (HPV) - vốn bảo vệ các bé gái chống lại bệnh ung thư cổ tử cung cũng như nhiều bệnh lý ung thư khác và mụn cóc sinh dục sau này - đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi việc đóng cửa trường học. Kết quả là, trên các quốc gia đã đưa vào sử dụng vắc xin HPV cho đến nay, có thêm khoảng 1,6 triệu trẻ em gái bỏ lỡ vào năm 2020. Trên toàn cầu, chỉ có 13%(1) trẻ em gái được tiêm vắc xin HPV.
Có thêm khoảng 1,6 triệu trẻ em gái bỏ lỡ việc phòng ngừa HPVvào năm 2020(1) (Nguồn ảnh: WHO)
Với nhiều nguồn lực và nhân sự được chuyển hướng để hỗ trợ phản ứng COVID-19, đã có những gián đoạn đáng kể đối với việc cung cấp dịch vụ tiêm chủng ở nhiều nơi trên thế giới. Ở một số quốc gia, các phòng khám đã bị đóng cửa hoặc giảm giờ làm việc, trong khi người dân có thể không muốn đi khám vì sợ lây truyền hoặc gặp phải những thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ do các biện pháp khóa cửa và gián đoạn giao thông.
Phòng chống covid-19, không quên tiêm chủng đầy đủ các vắc xin thiết yếu
Đại dịch COVID-19 đang khiến các hệ thống y tế căng mình ứng phó và gây gián đoạn chương trình tiêm chủng ở nhiều nơi. Một số gia đình tránh việc đến các cơ sở y tế do lo sợ lây vi rút COVID-19 cho bản thân và các bé. Việc bỏ lỡ các cột mốc quan trọng trong lịch tiêm phòng ở thời điểm mấu chốt này có thể đe dọa đến sức khỏe của trẻ em và người lớn.
Thực tiễn và khoa học đã chứng minh vắc xin là công cụ an toàn, hiệu quả, dự phòng các bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vắc xin cho không chỉ trẻ em mà còn bảo vệ cho người chưa thành niên, người trưởng thành, người cao tuổi cũng như toàn cộng đồng.
Do đó, song song với việc đảm bảo giãn cách xã hội và giữ an toàn cho bản thân và gia đình, chúng ta cũng cần phải duy trì đảm bảo liên tục cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm tiêm chủng, dù ở giai đoạn nào của đại dịch… Tiến hành tiêm bù cho các trẻ em và người lớn đã bỏ lỡ tiêm chủng trong những tháng vừa qua.
WHO khuyến cáo đừng trì hoãn tiêm ngừa để ngăn nguy cơ bùngphát các loại dịch bệnh tiềm ẩn khác (Nguồn ảnh: WHO)
Hãy chung tay đảm bảo tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin sẵn có vì sức khỏe của tất cả mọi người, đừng bỏ qua "thời gian vàng" trong phác đồ tiêm chủng phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm bạn nhé. Bạn hãy:
- Chủ động liên hệ cơ sở y tế (bệnh viện/ trung tâm tiêm chủng…) để được xếp lịch tiêm phòng, ưu tiên lựa chọn những thời điểm không quá đông bệnh nhân.
- Thực hiện "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người khác, không tụ tập đông người và khai báo y tế.
* Nội dung này được Hội Y học Dự phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục VN-HPV-00359 08072023
* Tài liệu tham khảo:
(1) https://www.who.int/news/item/15-07-2021-covid-19-pandemic-leads-to-major-backsliding-on-childhood-vaccinations-new-who-unicef-data-shows?fbclid=IwAR1-KiPM5zacHmWIe_7p-W0-cc73Zut577KbzVQVuZ15ywUwCTpw8Hiq25w (truy cập 25/6/2021)