Tại họp báo ngày 26/12, bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: “Trong Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ dự trữ về lưu thông thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối, sản xuất cung ứng xăng dầu... 15-20 ngày, dự trữ sản xuất khoảng 90 ngày. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đáp ứng được 7 ngày sử dụng”, theo Zing.
Từ đầu năm 2022, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, nguồn cung có nhiều bất ổn dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Do đó, bà Giang cho rằng việc tăng mức dự trữ xăng dầu rất cần thiết. Hiện, Tổng cục Dự đang thảo luận mức dự trữ xăng dầu quốc gia phù hợp để có ý kiến cùng Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng nhiều lần lên tiếng về mức dự trữ xăng dầu ở Việt Nam còn thấp so với khu vực. Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ ba nguồn, bao gồm dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia.
Trong đó, dự trữ sản xuất đến từ hai nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, dự trữ quốc gia của Việt Nam chỉ được khoảng 5-7 ngày, còn khá mỏng so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Australia, Mỹ với 90 ngày.
Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.