Ém thông tin, PVFI bị phạt 420 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) số tiền 420 triệu đồng và Buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con.

Ngày 23/9/2022, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI), địa chỉ: Tầng 1 Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí, 18 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, cụ thể:

Phạt tiền 70 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Theo đó, PVFI không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Công ty và trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN theo quy định các tài liệu: Báo cáo tài chính (BCTC) Quý 4/2014; BCTC các Quý 1,2,3,4 năm 2015; BCTC Quý 1/2016; BCTC đã được kiểm toán các năm 2014, 2015; Báo cáo thường niên các năm 2014, 2015, 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty các năm 2014, 2015; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm của 2015, 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015. Công ty công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN không đúng thời hạn về BCTC các Quý 2,3,4 năm 2017; BCTC các Quý 1, 2, 3, 4 năm 2018; BCTC các Quý 2, 4 năm 2020; BCTC các Quý 1, 2, 3 năm 2021; BCTC năm 2017, 2019, 2020, 2021 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên các năm 2017, 2019, 2020; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên các năm 2017, 2018; Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021; thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và tài liệu đại hội; thư mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020).

Ngoài ra, PVFI tiếp tục bị phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán (Công ty đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với UBCKNN trước ngày 01/01/2016 nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch/niêm yết chứng khoán).

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

Tổng số tiền PVFI bị phạt là 420 triệu đồng.

Về tình hình kinh doanh, PVFI liên tục lỗ khiến vốn âm 173 tỷ, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến vì loạt vấn đề.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh gần 39% về còn gần 2 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí quản lý chiếm tới hơn 3 tỷ đồng nên PVFI lỗ ròng 495 triệu đồng trong năm 2021, trong khi năm trước vẫn có lãi 837 triệu đồng.

Chính mức lỗ này nâng lỗ lũy kế của PVFI lên con số gần 477 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm nặng 173 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ ngắn hạn của PVFI gần gấp đôi tài sản ngắn hạn khi chiếm 357 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phải trả ngắn hạn 257 tỷ đồng. PVFI đã chi 204 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, song phải trích dự phòng giảm giá chứng khoán lên tới 196 tỷ đồng.

Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do loạt vấn đề khi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.

Theo đó, tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả ngắn hạn của PVFI đã vượt quá tái sản ngắn hạn số tiền 173 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 173 tỷ đồng. Phần lớn các thỏa thuận tài chính của PVFI đã quá hạn thanh toán và chưa có nguồn để hoàn trả.

Mặt khác, doanh thu trong các năm 2019, 2020 và 2021 phát sinh không đáng kể. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá về giả định hoạt động liên tục của PVFI.

Thêm nữa, PVFI đang ghi nhận các khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết với giá trị hơn 5,4 tỷ đồng và đầu tư vào cổ phiếu của Công ty Đầu tư Nhà Đất Việt với giá trị 486 triệu đồng. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khoản đầu tư tại ngày 1/1/2021 và 31/12/2021. Do vậy đơn vị kiểm toán không đánh giá được liệu có phải thực hiện các điều chỉnh cần thiết liên quan đến giá trị của các khoản này hay không.

Đồng thời, tại ngày 31/12/2021, PVFI có nghĩa vụ thanh toán nhận ủy thác đầu tư chịu lãi suất cố định không chia sẻ rủi ro với số tiền 96 tỷ đồng và đã quá hạn hơn 5 năm kể từ ngày 31/12/2018. PVFI đã sử dụng phần lớn số vốn ủy thác kể trên để kinh doanh thép và công ty còn phải thu các đối đối tác số tiền 98 tỷ đồng. Từ các tài liệu đã được cung cấp, đơn vị kiểm toán không thể đánh giá được tính hiện hữu và chính xác và phù hợp với các tài sản thế chấp liên quan đến các nghĩa vụ thanh toán phát sinh từ hoạt động này cũng như các khoản phải thu của khách hàng.

Ngoài ra, PFVI đang theo dõi các khoản phải thu về ủy thác đầu tư tồn đọng qua nhiều năm với tổng giá trị là 376 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán và không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến hiện hữu, chính xác của các khoản phải thu và lãi phát sinh tương ứng cũng như dự phòng cần trích lập theo quy định.

PVFI có các nghĩa vụ thanh toán đã quá hạn liên quan đến các khoản nhận ủy thác đầu tư ngắn hạn và nhận vốn ủy thác đầu tư dài hạn với tổng giá trị 176 tỷ đồng. PVFI chưa thu xếp được nguồn tài chính để thanh toán cho các nghĩa vụ này. Các khoản công nợ phải thu chưa có đối chiếu hơn 2 tỷ đồng, và công nợ phải phải trả chưa có đối chiếu gần 14 tỷ đồng (chủ yếu là các khoản về cổ tức qua nhiều năm).

Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, PVFI có số dư tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn tại thời điểm 31/12/2021 là 6,5 tỷ đồng tại PVCombank bị phong tỏa bởi phía ngân hàng do công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ ủy thác đã quá hạn cho ngân hàng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) chính thức hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 01/6/2007.

“PVFI là đơn vị duy nhất đại diện cho Cán bộ CNV Tập đoàn thực hiện đầu tư vào các dự án, các công ty cổ phần; đại diện quản lý phần vốn góp của Cán bộ CNV Tập đoàn tại các công ty cổ phần/dự án; đồng thời thực hiện đầu tư tài chính, cung cấp các loại hình dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp và phát triển kinh doanh” - website của PVFI đã từng một thời tự giới thiệu về doanh nghiệp này như vậy.

Khi mới thành lập PVFI có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp 15 tỷ đồng, chiếm 5%; PVN đóng góp 105 tỷ đồng, chiếm 35%; Cán bộ, công nhân viên PVN đóng góp 105 tỷ đồng, chiếm 35%; Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đóng góp 33 tỷ đồng; chiếm 11%; Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đóng góp 17,595 tỷ đồng chiếm 6%; Các cổ đông khác đóng góp 24,405 tỷ đồng, chiếm 8%.

Được kỳ vọng trở thành một công cụ tài chính để thực hiện chính sách cho nhân viên PVN, nhưng trên thực tế, đôi khi PVFI lại trở thành nơi để xử lý các nghiệp vụ tài chính lỡ dở của tập đoàn mẹ.

Nổi bật trong số đó có thể kể đến thương vụ nhận chuyển nhượng 9.753.900 cổ phần GPBank từ PVN, vào đầu năm 2009. Thậm chí một cách xuống xã hơn, có thể nói rằng PVN đã “dúi” lô cổ phần GPBank này vào PVFI (bất chấp việc GPBank chính là một trong các cổ đông đã sáng lập nên PVFI). Nên hiểu về tình thế khi ấy: các lãnh đạo PVN (đứng đầu là Chủ tịch Đinh La Thăng) cần tập đoàn ở trong trạng thái “không sở hữu vốn của ngân hàng nào”, để đáp ứng điều kiện cần cho việc trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank).

Việc phải thực hiện những thương vụ phi thị trường, cùng cung cách quản trị có vấn đề, đã đưa PVFI sớm rơi vào suy thoái. 3 năm sau ngày thành lập, PVFI bắt đầu báo lỗ. Đầu tiên - năm 2010, nó lỗ 43 tỷ đồng; Rồi năm 2011, lỗ 155 tỷ đồng; Năm 2012, lỗ 68 tỷ đồng…

Tuy vậy, "sự nghiệp" thua lỗ của PVFI, suốt nhiều năm, diễn ra âm thầm, và chẳng được mấy người để ý.

Dù vẫn là một công ty đại chúng nhưng vài năm trước, PVFI bê trễ nghĩa vụ công bố thông tin. Vì không có báo cáo tài chính, báo cáo thường niên,… nên nhiều người chẳng rõ PVFI làm ăn như thế nào, tình hình tài chính ra sao.