'Ép' khách hàng mua bảo hiểm, ngân hàng thu ngàn tỉ

Bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) là hoạt động mang lại nguồn thu đứng thứ 2 của các ngân hàng, lên tới ngàn tỉ. Mua bảo hiểm là tự nguyện nhưng khách hàng, nhất là người đi vay khó từ chối khi nhân viên mời mua bảo hiểm.

Không mua bảo hiểm có vay được tiền?

Anh Nguyễn Sơn (Q.2, TP.HCM) than vãn mỗi lần vay ngân hàng, nhân viên tín dụng đều mời và tư vấn nếu vay có mua bảo hiểm thì lãi thấp hơn 0,5 - 1%/năm. Theo anh, đi vay, ai cũng mong muốn được thuận lợi nên anh cũng gật đầu đồng ý dù rằng ở nhà đã có 3 hợp đồng bảo hiểm khác. Tất nhiên, quyền quyết định mua bảo hiểm hay không thuộc về khách hàng nhưng thử hỏi có ai đang cần tiền, đi vay mà lại tự nguyện mua thêm bảo hiểm. Nhân viên ngân hàng không ép mua bảo hiểm nhưng nếu không mua thì coi như hồ sơ rất khó giải ngân, đặc biệt trong bối cảnh hạn mức tín dụng ngân hàng hiện đang rất ít, họ thường chọn khách cho vay.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhận được phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt khách mua bảo hiểm khi vay vốn, chỉ giải ngân nếu khách mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre), bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống; xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.

Kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

nh-1660793243.jpg Ngân hàng không được "ép" khách mua bảo hiểm khi vay vốn NGỌC THẮNG

Ngân hàng bán bảo hiểm doanh thu ngàn tỉ

Theo thống kê từ Công ty chứng khoán Yuanta, trên 17 ngân hàng niêm yết, phí môi giới bảo hiểm bancassurance chiếm trung bình 37% trong tổng thu nhập phí năm 2021 của các ngân hàng niêm yết. Thị phần bancassurance ngày càng bị chia nhỏ khi số lượng ngân hàng tham gia ngày càng tăng lên khi đây được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà băng, đứng sau việc thu lãi cho vay. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance cũng tăng trưởng tới 23%. Bancassurance được kỳ vọng chiếm khoảng 50% phí khai thác mới vào năm 2025.

Nguồn thu phí mang lại từ việc bán chéo sản phẩm trong ngân hàng đang ngày càng tăng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) báo cáo thu nhập 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 31.556 tỉ đồng, tăng thêm gần 8.500 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 15.322 tỉ đồng, cao hơn 6.300 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các dịch vụ ngân hàng chính, nhà băng này cũng báo số thu từ dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 1.506 tỉ đồng, tăng thêm 240 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Số thu này chiếm 33% trong tổng nguồn thu hơn 4.550 tỉ đồng chung cho hoạt động dịch vụ của VPB. Hay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) báo lãi 6 tháng đầu năm nay là 11.607 tỉ đồng, cao hơn gần 760 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong quý 2/2022, thu thuần từ dịch vụ tăng hơn 203 tỉ đồng, tương đương tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý là thu phí tài trợ thương mại và phí hoa hồng bảo hiểm đã tăng trưởng tốt nhờ triển khai thúc đẩy bán, đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ…

Ngoài 2 ngân hàng trên, theo báo cáo tài chính quý 2 của các nhà băng khác, thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoa hồng dịch vụ bảo hiểm, hỗ trợ đại lý bảo hiểm tăng từ 11% tới 33,3%. MB là ngân hàng đang có nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm lên tới hơn 5.000 tỉ đồng trong 6 tháng, kế theo là Techcombank là 617 tỉ đồng, VIB đạt 587 tỉ đồng, TPBank đạt 493 tỉ đồng… Các ngân hàng có lợi thế từ nguồn khách hàng sẵn có để bán chéo sản phẩm bảo hiểm, nhất là những khách hàng có nhu cầu vay vốn.

Dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2022, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 94.484 tỉ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 28.055 tỉ đồng (tăng 13,58% so với cùng kỳ năm trước); lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.429 tỉ đồng (tăng 14,50% so với cùng kỳ năm trước).