Trong quý 2/2022, các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hoạt động chính thu về 1.417,5 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 44,1%.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng thu về kết quả đáng kể. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 46,6% đạt hơn 124,3 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16,2% đạt gần 119 tỷ đồng; Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về lãi lớn hơn 89,4 tỷ đồng gấp 12 lần so so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi hoạt động khác tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ, đạt mức 276 tỷ đồng.
Eximbank phải chi gần 130 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2, tăng 6% so với cùng kỳ, giảm mạnh đến 73,3% so với đầu năm. Do đó Eximbank báo lãi sau thuế hơn 871 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản Eximbank tăng 5,4% so với đầu năm, lên mức 174.582,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 12,4% lên mức 3.815 tỷ đồng; Tiền gửi các tổ chức tín dụng khác tăng 8% lên mức 27.225 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528,1 tỷ đồng.
Nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng đạt mức 141.494,7 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Tiền gửi và vay của các TCTD khác tăng 40,8% đạt 10.727,6 tỷ đồng.
Cuối quý 2, tổng nợ xấu của Eximbank tăng lên 4,3% so với đầu năm lên mức 2.343,6 tỷ đồng. Đáng lo ngại nhất là Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng cao lên mức 36,5% ở mức 1.852 tỷ đồng, chiếm tới 79% trên tổng nợ xấu.
Tháng 8/2022, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank được giữ nguyên ở tất cả các kỳ hạn gửi. Lãi suất huy động trong tháng này vẫn nằm trong khoảng 3,4 - 6%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn 1 - 60 tháng và có lãi suất cao nhất là 6%/năm được áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn 15 - 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Trường hợp khách hàng gửi tiền tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn 1 - 3 tuần, Eximbank huy động lãi suất ở mức không đổi là 0,2%/năm. Và lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn là 0,1%/năm.
Bà Lương Thị Cẩm Tú và cuộc chiến “vương quyền” tại Eximbank
Ngày17/2/2022, Eximbank đã công bố tân Chủ tịch HĐQT. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên HĐQT - được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Trước đó, bà Tú đã từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thay ông Lê Minh Quốc - thành viên HĐQT độc lập vào ngày 22/3/2019.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, xuất hiện lá thư được cho là của ông Lê Minh Quốc - nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank bị bãi nhiệm - tố cuộc họp ngày 22/3/2019 bầu Chủ tịch HĐQT mới trái quy định.
Theo đó, ông Quốc cho rằng phiên họp ngày 22/3/2019 của nhóm thành viên HĐQT không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp ngày 22/3/2019 không có hiệu lực pháp luật. Ông cũng có đơn xin cứu xét gửi lên Ngân hàng Nhà nước và gửi đơn lên Tòa án nhân dân TP.HCM.
Sau đó tòa án đã Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện nghị quyết của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án. Và chức vụ Chủ tịch được trao cho ông Cao Xuân Ninh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, ông Yasuhiro Saitoh - phó chủ tịch HĐQT - ngồi vào ghế nóng.
Tại tháng 4/2021, Eximbank cũng diễn ra sự việc hy hữu khi miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, nhưng ngay sau đó lại phục chức cho ông này, còn ông Nguyễn Quang Thông chỉ đảm nhiệm chức Chủ tịch Eximbank trong thời gian ngắn kỷ lục 55 phút.
Trong suốt quá trình diễn ra tranh chấp quyền lực trên, Eximbank đã phải hoãn, dời, tổ chức bất thành Đại hội đồng cổ đông 11 lần trước khi tổ chức thành công vào ngày 15/2/2022.