F0 tăng nhanh trở lại, các tỉnh, thành ứng phó ra sao?

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh trở lại, Bạc Liêu quy định người dân đã tiêm vaccine mới được đi chợ, Bến Tre dừng hoạt động quán bar, karraoke...

Trong những ngày qua, theo công bố của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 mới của cả nước liên tục tăng. Cụ thể, tối 25/11, Bộ Y tế thông báo thêm 12.450 ca mắc COVID-19 mới tại 59 tỉnh, thành. Trong khi đó, ngày 24/11, cả nước có 11.811 ca mắc COVID-19 mới, ngày 23/11 có 11.321 ca. Con số của những ngày trước đó lần lượt là 10.321, 9.889 và 9.531 ca. Các tỉnh, thành phía Nam vẫn là "điểm nóng" COVID-19.

Trước xu hướng này, nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... kích hoạt các phương án ứng phó, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

TP.HCM: 7 kịch bản chữa trị cho từng F0

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc mới mỗi ngày tại thành phố luôn trên 1.000 người và xu hướng tăng cao. Cụ thể, ngày 21/11, thành phố có 1.265 ca mắc mới, ngày 22/11 tăng lên 1.547 ca, ngày 23/11 có giảm nhưng vẫn cao (1.204 ca) và ngày 24/11, con số này tăng lên tới 1.666 ca.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thành phố vẫn đang ở đợt dịch thứ tư, mục tiêu chung lúc này là duy trì, bảo vệ được thành quả chống dịch thời gian qua, kéo giảm số ca nặng, ca tử vong và củng cố lại hệ thống y tế. Để ứng phó với tình trạng số ca F0 tăng cao, thành phố xây dựng 7 kịch bản chữa trị, chăm sóc cho từng F0 trong thời gian sắp tới. Hiện, TP.HCM có trên 9.100 bác sĩ và hơn 19.000 điều dưỡng.

"TP.HCM duy trì được số lượng giường oxy, giường ICU (hồi sức tích cực), khả năng đáp ứng điều trị khoảng 120.000 F0 cùng thời điểm", bà Mai nói.

Khi tình hình dịch căng thẳng trở lại, thành phố lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của lực lượng quân y; phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã giúp chăm sóc F0 tại nhà cũng như cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm hơn trong điều trị.

Để chăm sóc, điều trị số F0 tăng lên, Sở Y tế cho mở lại khu cách ly và thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện, xem như đây là cơ sở điều trị tầng 2.

Ngày 24/11, UBND TP.HCM lập 19 đoàn kiểm tra công tác kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thực hiện kiểm tra từ 25/11 đến 30/11.

Sở Y tế gửi UBND TP.HCM tờ trình về việc phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Dự thảo gồm 6 chiến lược lớn để kiểm soát dịch COVID-19.

Cần Thơ: Hạn chế tối đa tập trung đông người

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển vừa có văn bản đề nghị các cấp, các ngành, địa phương và người dân thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

Cần Thơ khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tổ chức hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.

Cần Thơ yêu cầu doanh nghiệp có từ 100 người lao động trở lên thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch.

UBND thành phố đặc biệt lưu ý, người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến những nơi tập trung đông người.

Thành phố cũng khuyến khích các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống bán hàng mang đi. Các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… có từ 100 người lao động trở lên phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hậu Giang: Đủ 2 liều vaccine mới tập thể dục ngoài trời

Địa phương này yêu cầu, từ 0h ngày 24/11, việc tổ chức đám tang, hiếu, hỷ phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người (không quá 20 người tại một thời điểm).

Các hoạt động tập trung thể dục, thể thao ngoài trời được cho phép nhưng phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19, thực hiện quy định 5K; đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch và không tập trung quá 10 người trong cùng một thời điểm, địa điểm.

Các xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực có dịch cấp 3 trở lên sẽ thực hiện việc phát phiếu đi chợ cho người dân (không quá 15 lần/tháng). Đồng thời, tỉnh quy định giờ đi chợ hợp lý, đảm bảo giãn cách 2m, không tập trung đông người và người đi chợ phải được tiêm đủ hai mũi vaccine.

Bạc Liêu: Chưa tiêm vaccine không được đi chợ

Ngày 21/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký quyết định siết chặt một số hoạt động trên địa bàn trước ca mắc COVID-19 liên tục tăng.

Theo quy định mới nhất, người dân Bạc Liêu được đi chợ (hoặc siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng) tối đa 2 lần/tuần nếu đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, được tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã tiêm 1 liều vaccine trên 14 ngày.

Bạc Liêu hạn chế người dân ra đường vào ban đêm.

Người được tiêm 1 liều vaccine phòng COVID-19 dưới 14 ngày thì chỉ được đi chợ tối đa 1 lần/tuần. Những người chưa tiêm vaccine thì không được đi chợ. Chính quyền cấp xã cấp phát thẻ đi chợ và tổ chức đi chợ hộ hoặc các hình thức khác phù hợp khi có yêu cầu.

Việc đi lại của người dân cũng được siết chặt. Chỉ những người sau đây mới được phép ra khỏi nhà/nơi lưu trú: Người khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; người tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, người tiêm 1 liều vaccine trên 14 ngày; người đi tiêm vaccine.

Bạc Liêu cũng yêu cầu không tổ chức các hoạt động (cả trong nhà và ngoài trời) tập trung trên 10 người (ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh). Đám cưới, đám tang chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình và không được tập trung trên 10 người.

Người dân không được ra đường từ 20h hôm trước đến 4h hôm sau, trừ các trường hợp có yêu cầu công vụ hoặc yêu cầu công tác phòng chống dịch; cấp cứu y tế; xử lý các sự cố khẩn cấp; công nhân đi làm ca đêm về.

Các cơ sở, quán ăn, uống, nhà hàng chỉ được bán mang về và được phép hoạt động từ 4h đến 19h.

Bến Tre: Dừng quán bar, karaoke

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đến nay, số ca mắc mới xu hướng tăng trở lại, đòi hỏi có biện pháp mạnh hơn so với quy định của Nghị quyết 128 đối với vùng dịch cấp độ 2.

UBND tỉnh này quy định khung giờ hạn chế ra đường từ 21h hôm trước đến 4h hôm sau.

Từ 12h ngày 26/11, các quán bar, karaoke, vũ trường, internet, trò chơi điện tử phải dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, đám cưới, đám tang, đám tiệc... được tổ chức nhưng không tập trung quá 20 người cùng một lúc

Nhà hàng, quán ăn, giải khát được phép hoạt động nhưng không quá 50% sức chứa.

Tây Ninh: Tăng tỷ lệ tiêm vaccine

Theo thông tin từ Bộ Y tế, những ngày gần đây, số ca mắc mới ở tỉnh này có xu hướng tăng. Ngày 21/11, Tây Ninh ghi nhận 410 ca mắc mới, ngày 22/11 có 564 ca, ngày 23/11 là 600 ca và ngày 24/11 có 754 ca.

Tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực điều trị, phân tầng điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, khi chuyển trạng thái từ zero COVID-19 qua thực hiện Nghị quyết 128, việc F0 tăng lên nằm trong dự đoán, vì các hoạt động được mở lại, lưu thông giữa các địa phương nên mầm bệnh lây lan và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

“Điều kiện tiên quyết, quan trọng hiện nay của tỉnh để ứng phó với tình hình F0 gia tăng là tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tỉnh đang khởi động tiêm vaccine cho trẻ từ 12 – 17 tuổi”, ông Ngọc nói.

Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực điều trị, phân tầng điều trị cho bệnh nhân; đảm bảo các biện pháp cách ly, điều trị tại nhà cho những F0 không triệu chứng; kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động sản xuất, nhất là trong các khu công nghiệp.

“Hy vọng thời gian tới tỉnh sẽ kéo giảm được tốc độ lây lan; điều trị bệnh để kéo giảm mức độ tử vong ở mức thấp nhất”, Chủ tịch tỉnh Tây Ninh cho hay.

Đà Nẵng: Đánh giá hiệu quả của QRCode trong truy vết

Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận nhiều ca COVID-19 tại một số công ty, nhà máy ở khu công nghiệp. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu con số đáng báo động là chỉ trong hơn 1 tháng qua (từ 16/10 đến hết 24/11), Đà Nẵng ghi nhận 660 ca COVID-19.

Đà Nẵng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tại các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp.

Bà Yến đánh giá, hiện các doanh nghiệp vẫn lúng túng trong xử lý khi phát hiện F0 tại cơ quan, nhà máy, nhất là trong việc đánh giá nguy cơ dịch lây lan. Do đó, Sở Y tếi phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình thực hiện quy định phòng chống dịch, nhất trong trường hợp có F0 trong công ty.

Hiện Đà Nẵng có nhiều chuỗi lây nhiễm liên quan đến các khu công nghiệp mà điển hình là tại Công ty Hữu Nghị. Theo đánh giá của ngành Y tế thì công ty phải đóng cửa 1 phân xưởng. Nguyên nhân là do ngay từ khi xuất hiện ca F0 đầu tiên, đơn vị không đánh giá đúng nguy cơ. Bây giờ 1 phân xưởng đóng cửa thì có thể các phân xưởng khác cũng phải đóng cửa, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của doanh nghiệp”, bà Yến nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc chậm xử lý các ổ dịch tại các công ty trong thời gian vừa qua, lưu ý việc đánh giá nguy cơ, xác định F1, F liên quan không đúng làm dịch bệnh lây lan.

Ngoài ra, bà Yến yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá hiệu quả của việc quét mã QRCode trong truy vết các F1, F liên quan đến các F0 phát hiện trong thời gian qua và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả.

Quảng Nam: Lập ngay khoa COVID-19 trong các bệnh viện

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh với số ca mắc liên tục tăng cao, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành lập ngay khoa COVID-19 trong các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và tại bệnh viện tư nhân cũng như mở rộng hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Quảng Nam thống nhất phân công các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, tích cực hỗ trợ các địa phương trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực điều trị COVID-19 cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng trên toàn tỉnh, chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức cấp cứu cơ bản, hướng dẫn thiết lập và vận hành cơ sở điều trị COVID-19, việc phân luồng, sàng lọc yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng.

Các bệnh viện khẩn trương cử đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng đi học tập tại Bệnh viện Đà Nẵng về xử lý ca bệnh nặng, nguy kịch, hồi sức cấp cứu chuyên sâu.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế kiểm tra, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng kích hoạt các trạm y tế lưu động

Số ca mắc COVID-19 trên địa bànThừa Thiên-Huế liên tục tăng nhanh. Đến nay, tỉnh ghi nhận trên 2.400 F0, trong đó có hơn 780 F0 cộng đồng. Trong khi đó, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác quản lý, giám sát công dân tại địa phương ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, tình trạng tụ tập đông người vẫn còn diễn ra.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành công điện khẩn yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bám sát tình hình diễn biến dịch ở cơ sở. Các địa phương phải chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm caccine ngừa COVID-19, nhất là bảo đảm các điều kiện để tiêm phòng cho học sinh, sẵn sàng kích hoạt các trạm y tế lưu động để phục vụ điều trị F0.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Nghệ An: Cách ly y tế F1 tại nhà

Trong 1 tháng qua, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh buộc lãnh đạo tỉnh phải đưa ra một số biện pháp nhằm khống chế, dập dịch.

Trả lời PV VTC News, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, đơn vị vừa ban hành hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 cho người tiếp xúc gần (F1) và một số người khác theo quy định.

Tỉnh áp dụng cách ly y tế F1 tại nhà, nơi lưu trú để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng, giảm áp lực, nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Các trường hợp thực hiện cách ly tại nhà phải đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và cam kết thực hiện của bản thân, người ở cùng một nhà và có kết quả xét nghiệm lần đầu tiên âm tính với SARS-CoV-2. Người cách ly tại nhà, người ở cùng nhà, người chăm sóc… phải đảm bảo các yêu cầu nhất định.

Ngành Y tế Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Nghệ An triển khai thí điểm xây dựng trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, mức độ nhẹ và phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi bệnh nhân chuyển nặng…

Ngoài ra, tỉnh áp dụng một số quy định hạn chế tập trung đông người, tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như cơ sở thẩm mỹ, massage, vũ trường, karaoke, quán bar, Internet, trò chơi điện tử...

Đến nay Nghệ An đã ghi nhận 4.029 ca COVID-19. Trong đó có 2.985 bệnh nhân được chữa khỏi, có 26 người chết và hiện 1.018 người đang điều trị.

Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho toàn dân

Trả lời PV VTC News, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, ngay khi huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch là xưởng may ở xã Toàn Thắng, thành phố tạm thời phong tỏa xã, xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho 4.300 nhân khẩu tại địa phương.

"Từ đó, chúng tôi khẩn trương khoanh vùng để dập dịch, tiến tới sẽ phong tỏa phạm vi hẹp lại", ông Lê Khắc Nam nói.

Đến 7h ngày 24/11, toàn huyện Tiên Lãng bước đầu truy vết được 210 trường hợp F1, gần 300 trường hợp F2. Trong đó, có 16 ca dương tính đều ở xã Toàn Thắng do liên quan đến ổ dịch tại xưởng may của ông V.V.H.; xã Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Tiên Minh cùng ghi nhận 1 ca dương tính.

Cũng theo ông Lê Khắc Nam, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho toàn dân. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên tại Hải Phòng đạt trên 98% đối với mũi 1, mũi 2 đạt 78%.

Ngày 24/11, Hải Phòng triển khai tiêm vaccine COVID-19 thí điểm cho hơn 4.700 học sinh cấp THPT.

Từ 24/11, Hải Phòng triển khai tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi tại 3 trường THPT trên địa bàn thành phố gồm Ngô Quyền, Mạc Đĩnh Chi và Hồng Bàng với khoảng 4.700 trường hợp.

"Việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi được triển khai đúng theo tiến độ đề ra và hoàn thành trong tuần tới thì thành phố có thể tạm thời yên tâm, đưa Hải Phòng đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thích ứng với tình trạng bình thường mới", ông Nam nói.

Quảng Ninh: Điều trị F0 thể nhẹ ngay tại khu công nghiệp

Trong tuần qua, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 250 ca F0, chủ yếu là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ. Đến nay, tình hình cơ bản được kiểm soát nhưng dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, bùng phát.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung xử lý triệt để các ổ dịch. Trường hợp F0 là trẻ em, học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và chính quyền địa phương nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi trường học, lớp học; duy trì học trực tiếp và sẵn sàng học trực tuyến khi cần thiết.

Sở Y tế nghiên cứu xây dựng các khu tập trung thu dung, điều trị F0 thể nhẹ, không có triệu chứng ngay tại các khu công nghiệp do UBND cấp huyện quyết định thành lập, quản lý, vận hành.

Tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, người già, người có bệnh nền không thể tiêm vaccine hạn chế tối đa đi đến các sự kiện tập trung đông người, những khu vực công cộng có nguy cơ cao.

Cơ quan chuyên môn ở Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên tại quán cà phê Old Town và các địa điểm liên quan đến các mốc dịch tễ.

Quảng Ninh cũng khẩn trương nghiên cứu việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn chung của thế giới trong thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Tỉnh cũng khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng các giải pháp về công nghệ như hệ thống kiểm soát y tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ khai báo y tế qua các trạm ra vào tỉnh; quét mã QR bằng ứng dụng PC-COVID; đồng bộ dữ liệu kết quả xét nghiệm của khu vực công và khu vực tư lên nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến.

Vĩnh Phúc: Test nhanh cho cán bộ, công chức, người lao động

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Phúc liên tục tăng. Ngày 21/11, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành ban hành chỉ thị mới yêu cầu 100% các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải triển khai xét nghiệm sàng lọc tầm soát SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên định kỳ ít nhất 3-5% hàng tuần cho cán bộ, công chức, người lao động; tăng tỷ lệ xét nghiệm khi xuất hiện các nguy cơ cao hơn.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương nếu xuất hiện nguy cơ phải thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh để tách F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời khoanh vùng hẹp, xử lý triệt để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

"Nếu xuất hiện F0 trên địa bàn, chậm nhất sau 2 giờ phải đưa ngay vào cơ sở điều trị. Chậm nhất 24 giờ phải rà soát toàn bộ khu vực liên quan, tách F0 khác (nếu có) ra khỏi cộng đồng; chậm nhất sau 72 giờ đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới", Chủ tịch Lê Duy Thành yêu cầu.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực hiện thí điểm điều trị F0, cách ly F1 tại nhà riêng hoặc các khu vực mà người bị cách ly lựa chọn (nhà riêng, nhà văn hóa, nhà dân thuê...) theo quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế.