Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà, phiên bản 1.7 với nhiều thay đổi.
Theo đó, người bệnh Covid-19 được cách ly tại nhà khi có test nhanh hoặc xét nghiệm PCR dương tính, có đủ điều kiện cách ly tại nhà. Cụ thể, F0 phải là bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không suy hô hấp SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút).
Người bệnh trong độ tuổi từ 3 tháng đến 64 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vắc xin. Trong phiên bản chăm sóc F0 tại nhà trước đó (bản 1.6), F0 cách ly tại nhà là đối tượng có độ tuổi từ 1-50 tuổi.
F0 từ 3 tháng đến 64 tuổi được xem xét cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, Sở Y tế hướng dẫn, có thể xem xét cách ly tại nhà cho các F0 khác nếu có bệnh nền ổn định, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên.
Nếu trong gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế khuyến khích F0 cách ly nơi khác để đảm bảo không lây nhiễm.
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà phải cấp phát thuốc điều trị ngay theo quy định. Cụ thể, cấp ngay gói thuốc A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói thuốc A, C nếu F0 có triệu chứng nhẹ.
Riêng F0 thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, trên 65 tuổi) được ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có xét nghiệm dương tính, kể cả không có triệu chứng.
Thuốc điều trị Covid-19 có thể được cấp tại nhà hoặc người nhà F0 liên hệ trạm y tế, trạm y tế lưu động để nhận. Thuốc gồm 3 gói A, B và C. Đáng lưu ý, túi thuốc C (thuốc kháng virus) dành cho F0 tại nhà đã được bổ sung thêm thuốc Favipiravir 200mg bên cạnh Molnupiravir đã có trước đó.
Theo hướng dẫn, thuốc Favipiravir uống ngày đầu tiên sáng 1.600 mg, chiều 1.600mg, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7, sáng uống 600mg, chiều uống 600mg. Thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ có kế hoạch mang thai, đang cho con bú, suy gan suy thận nặng.
Trước đó, khi Bộ Y tế cấp 120.000 viên thuốc Favipiravir, Sở Y tế TP.HCM đã điều phối vào các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung để dùng cho bệnh nhân có triệu chứng. Túi thuốc C dùng cho F0 tại nhà trước đó chỉ có Molnupiravir được cấp phát và sử dụng có kiểm soát.
Trước đây, túi thuốc C chỉ có Molnupiravir.
Khi F0 tại nhà cảm thấy khó thở, hụt hơi, SpO2 dưới 97% phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất gói thuốc B (gồm thuốc kháng đông, kháng viêm) trước khi chuyển viện.
Theo hướng dẫn mới nhất này, F0 tại TP.HCM sẽ hết cách ly sau 10 ngày và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính. Xét nghiệm này do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (trực tiếp hoặc gián tiếp).
Sở Y tế cũng khuyến cáo dấu hiệu khi F0 là trẻ nhỏ cần được cấp cứu, chuyển viện gồm thở nhanh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, ăn uống, tím tái môi đầu chi, SpO2<95%. Thở nhanh theo độ tuổi, ở trẻ từ 1-5 tuổi: ≥40 lần/phút, 5-12 tuổi: >30 lần/phút, >12 tuổi: >20 lần/phút.
Đối với F0 là người lớn, khi khó thở, thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2<94% cần được cấp cứu và chuyển viện.