Fed đã 'đánh bại' lạm phát?

Triển vọng thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro khác trong năm 2023 sẽ phụ thuộc nhiều vào cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Việc tin rằng Fed đã 'đánh bại' lạm phát có thể là một sai lầm lớn.

Sắc xanh lan tỏa trên thị trường chứng khoán Mỹ sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, hôm 30/11, phần nào thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng xoay trục chính sách tiền tệ của cơ quan này. Diễn biến thị trường cũng phản ánh niềm tin rằng Fed đã kiểm soát được lạm phát.

Tuy vậy, Peter Cramer - giám đốc kiêm quản lý danh mục đầu tư, quản tài sản bảo hiểm cấp cao tại SLC Management, cho rằng, niềm tin nêu trên có thể sẽ là một sai lầm lớn.

VietTimes trân trọng gửi tới độc giả bài chuyển ngữ của Peter Cramer trên tờ Barron's về nội dung này.

Fed đã 'đánh bại' lạm phát? ảnh 1

Fed đã 'đánh bại' lạm phát? Đừng vội mừng...

Ảnh minh họa: Barrons

Triển vọng các các tài sản rủi ro trong năm 2023 sẽ phụ thuộc vào việc Fed sẽ nâng lãi suất cao đến đâu để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, tin rằng Fed đã kiềm chế được lạm phát có thể là một lỗi sai nghiêm trọng.

Các nhà đầu tư đã quá chú ý vào định hướng của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu hôm 30/11 đến nỗi bỏ qua phần quan trọng hơn trong bình luận của ông.

Dù Chủ tịch Fed cho biết Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) sẽ sớm bắt đầu “điều chỉnh nhịp độ nâng lãi suất,” nhưng ông cũng nói rằng “rất có khả năng việc phục hồi sự bình ổn giá sẽ đòi hỏi duy trì chính sách hạn chế hiện nay trong một khoảng thời gian.”

Điều này rất khác so với điều mà những người tin vào thị trường tăng giá mong muốn. Fed có khả năng sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản một lần nữa trong tháng 12/2022.

Hợp đồng tương lai lãi suất ở Mỹ (Fed-fund futures) cho thấy thị trường tin rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong vòng 6 tháng, cho phép Fed giảm lãi suất vào tháng 6/2023. Điều này rõ ràng là dấu hiệu tích cực cho các tài sản rủi ro.

Tuy nhiên, Fed có thể cần phải mạnh tay hơn trong năm tới để kiểm soát được lạm phát, không loại trừ nâng lãi suất cuối cùng lên trên 5%. Các thị trường đang đánh giá thấp nguy cơ có thể dẫn tới một sự điều chỉnh gây đau đớn đối với các tài sản rủi ro. Có một vài yếu tố gây nên lạm phát mà ông Powell sẽ phải giải quyết.

Fed đã 'đánh bại' lạm phát? Đưng vội mừng...

Bất chấp thị trường nhà ở đang giảm nhiệt, khoảng trễ từ 12-18 tháng giữa giá nhà và giá cho thuê (chiếm tới 1/3 chỉ số giá tiêu dùng) có nghĩa rằng nhà ở sẽ là nguồn gây lạm phát lớn trong năm tới.

Chỉ số giá nhà quốc gia S&P CoreLogic Case-Shiller đã đạt đỉnh trong tháng 7, khiến cho Chủ sở hữu thuê tương đương (OER) - số tiền thuê mà có thể cần phải nộp để thay thế một ngôi nhà hiện thuộc sở hữu như một tài sản cho thuê – cao hơn cho đến tháng 1/2024.

Ngay cả khi tốc độ tăng giá nhà có giảm đi so với mức 10,6% thời điểm hiện tại xuống còn 5%, nó vẫn là tốc độ tăng lớn chưa từng thấy.

Và trong bối cảnh sa thải nhân công hàng loạt diễn ra tại các công ty công nghệ như Twitter có thể gây ấn tượng rằng tình trạng thất nghiệp đang tăng lên, nhưng thực tế là báo cáo mới nhất về việc làm cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất khỏe mạnh.

Nhu cầu lao động sẽ tiếp tục gây sức ép đối với lương trong năm 2023, vốn đã tăng 5,1% trong năm nay, gây trở ngại cho nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, những lực lượng từng giúp kìm hãm lạm phát xuống mức dưới 2% trong suốt 3 thập kỷ qua lại bị đảo ngược.

Ví dụ, toàn cầu hóa cho phép các công ty tìm ra cách thức rẻ nhất để sản xuất ra các sản phẩm, nhờ việc trả lương thấp cho người lao động ở các nước đang phát triển.

Sự suy giảm an ninh toàn cầu cũng làm tăng chi tiêu cho quốc phòng, bởi cuộc chiến ở Ukraine đã nhắc nhở khu vực châu Âu về mối đe dọa mà họ đang phải đối diện.

Một số quốc gia thuộc NATO đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng tới mức sát với mục tiêu 2% GDP, tương đương hàng nghìn tỉ USD để mua trang thiết bị quân sự.

Hoạt động quốc phòng không phải một lĩnh vực có thể tăng nhanh chóng, mà phụ thuộc vào các nguyên liệu và thiết bị công nghệ cao, và có thể gây ra sức ép cực độ đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở Đức, chi phí năng lượng gia tăng do quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt giá rẻ có thể khiến cho ngành công nghiệp sản xuất của họ bị đình trệ trong mùa Đông. Nước này đang nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng khí hóa lỏng (LNG) để đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có một cơ sở đặt ở Biển Bắc đã hoàn thành, tuy nhiên việc nhập khẩu lượng khí đốt như vậy sẽ làm tăng lạm phát.

Tương tự, lạm phát cũng sẽ tăng do các kế hoạch chi tiêu của chính phủ vốn được thiết kế để hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng cao hơn. Chính phủ các nước EU đã cam kết chi hơn 550 tỉ euro (571 tỉ USD) để hỗ trợ chi phí năng lượng, theo hãng phân tích Bruegel.

Nếu Fed đến cuối cùng phải giữ lãi suất ở mức cao hơn và lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường, điều này sẽ gây tác động tới nền kinh tế toàn cầu (và cả các tài sản rủi ro).

Đầu tư trong một môi trường bất trắc như vậy sẽ cần phải bảo vệ điểm bất lợi của các tài sản có mức độ rủi ro lớn hơn.

Theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách sở hữu nhiều hơn trái phiếu kho bạc Mỹ, đầu tư vào các lĩnh vực chịu tác động từ Mỹ nhiều hơn so với bên ngoài, hay tiền mặt cho đến khi thị trường đặt cược tốt hơn vào các động thái của Fed.

Fed có thể sẽ thừa nhận rằng họ cần phải tăng mức lạm phát mục tiêu lên trên 2%. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể chứng kiến mức lãi suất cao hơn được duy trì trong thời gian dài (10-30 năm).

Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí, những bên thường đầu tư vào chứng khoán kỳ hạn dài hơn. Trong ngắn hạn, không nên bị cuốn theo sự lạc quan vô căn cứ. Trên thực tế, môi trường hiện tại vẫn còn rất bất ổn./.