Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay khi kết thúc cuộc họp diễn ra trong hai ngày 20-21/9.
Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Ảnh: EFE/TTXVN

Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Ảnh: EFE/TTXVN

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.

Với quyết định này, lãi suất tại Mỹ hiện trong khoảng 3-3,25% và Fed cho rằng việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ là phù hợp.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, khẳng định các quan chức ngân hàng này sẽ tiếp tục hành động quyết liệt để hạ nhiệt nền kinh tế và tránh lặp lại tình trạng mất kiểm soát lạm phát như những năm 1970 và đầu những năm 1980.

Các quan chức Fed nhận định lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 và năm 2023, và sẽ không hạ cho đến năm 2024.

Các dự báo kinh tế hàng quý của Fed cũng được công bố cùng với quyết định về lãi suất, với các quan chức Fed dự kiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm mạnh xuống mức 0,2% trong năm nay, nhưng sẽ đạt mức 1,2% trong năm tới.

Dù Fed nhấn mạnh tăng trưởng việc làm vẫn mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp thấp, các dự báo mới cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 3,8% vào cuối năm 2022, 4,4% vào năm 2023 và sẽ ở quanh mức này cho đến năm 2025.

Lạm phát vào cuối năm nay cũng vẫn ở mức cao (5,4%), trước khi giảm xuống gần mức bình thường vào năm tới.

Ông Powell cùng với thống đốc các ngân hàng trung ương khác đang cùng phát đi thông điệp: Suy thoái kinh tế vẫn tốt hơn lạm phát cao do những hệ lụy sau đó.

Ông Powell thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái và gây ra khó khăn nghiêm trọng cho hàng triệu người Mỹ. Trong khi Fed hy vọng có thể tránh được một kịch bản như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều nếu Fed để lạm phát tiếp tục tăng và khiến nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu hơn.

Nhiều nhà kinh tế nhận định việc GDP của Mỹ giảm ít nhất là trong ngắn hạn vào nửa đầu năm 2023 sẽ là cần thiết để lạm phát quay đầu giảm.

Nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng ngay cả trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng, với thị trường lao động có thêm hơn 2 triệu việc làm kể từ đầu năm và chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn xu hướng trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8/2022 chỉ là 3,7% - gần với mức trước đại dịch - trong khi số lao động bị sa thải vẫn ở mức thấp trong lịch sử.

Nhưng sự kết hợp của những khó khăn trong chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 bùng phát và cuộc chiến ở Ukraine (U-crai-na) đã đẩy giá cả tăng trên 8% hàng năm vào mùa Hè này, mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.

Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 8/2022 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,1% so với tháng trước đó.

Ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed, các chỉ số chứng khoán chủ lực trên phố Wall lao dốc. Chỉ số Dow Jones giảm 296,82 điểm, hay 0,97%, xuống 30.409,41 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 36,59 điểm, hay 0,95%, xuống 3.819,34 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 131,77 điểm, hay 1,15%, xuống 11.293,28 điểm.

Trong khi đó, đồng USD vọt lên mức cao kỷ lục mới trong hai thập kỷ sau quyết định của Fed. Chỉ số USD chạm mức 111,63. Đồng euro, đồng tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất trong chỉ số này, giảm xuống mức thấp kỷ lục 20 năm là 0,981 USD/euro./.