Hãng xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, thành viên của FiinGroup mới đây đã công bố bản tin trái phiếu doanh nghiệp tháng 8, cho thấy thị trường trái phiếu chưa thể phục hồi sau sự kiện Tân Hoàng Minh diễn ra hồi cuối tháng 3.
FiinRatings cảnh báo rủi ro trái phiếu tại 3 doanh nghiệp liên quan dự án KĐT Sài Gòn Bình An. Ảnh minh họa. |
Trong tháng 8 vừa qua, FiinRatings nhận thấy một điểm quan trọng mà các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần lưu tâm khi theo dõi sản phẩm trái phiếu được các tổ chức phân phối thứ cấp ra thị trường. Đó là hiện tượng một số tổ chức phát hành có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng, nhưng chào bán trái phiếu chủ yếu phục vụ dự án bất động sản, bao gồm Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tường Khải (viết tắt là Công ty Tường Khải), Công ty CP Xây dựng Minh Trường Phú (Công ty Trường Phú) và Công ty CP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh).
Theo FiinRatings, bản chất các tổ chức phát hành này thuộc nhóm bất động sản, mục đích của huy động trái phiếu là để phục vụ trực tiếp vào việc phát triển các dự án bất động sản, trong đó các tổ chức tín dụng là bên mua và/hoặc quản lý tài sản đảm bảo.
"Theo chúng tôi, đây là điểm quan trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần quan tâm khi được các tổ chức phân phối thứ cấp ra thị trường thì cần đánh giá doanh nghiệp phát hành này và các rủi ro của dự án một cách kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh thông tin về các tổ chức phát hành và mục đích sử dụng vốn không được công bố rõ ràng", phía FiinRatings cảnh báo.
Theo tìm hiểu, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của cả 3 doanh nghiệp trên là rất lớn. Trong đó, Công ty Tường Khải là 2.990 tỷ đồng, Công ty Trường Phú là 2.950 tỷ đồng (cùng hoàn tất trong ngày 7/1/2022, kỳ hạn ngắn 12 tháng). Đối với Công ty Hưng Thịnh, trong ngày 30/6/2022, doanh nghiệp đã chào bán thành công 2 lô trái phiếu trị giá 3.600 tỷ đồng, cũng có kỳ hạn 1 năm, tức đáo hạn trong năm 2023.
Đáng nói, các nhà phát hành này đều còn rất "non trẻ", mới thành lập trong năm 2020, cụ thể Công ty Tường Khải (tiền thân Công ty CP Charm Grace) và Công ty Hưng Thịnh (tiền thân Công ty CP Well Merit) cùng ra đời vào tháng 6/2020, còn Công ty Trường Phú là tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, quy mô trái phiếu chào bán trên đều cao hơn nhiều so với vốn điều lệ mà họ đang có, mặc dù ngay trước thềm tung ra lô trái phiếu cỡ "khủng", họ đã nhanh chóng tăng vốn điều lệ lên một mức đáng kể.
Cụ thể, dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam thể hiện, ngày 7/1/2022, Công ty Tường Khải tăng vốn điều lệ từ 320 tỷ đồng lên 661,5 tỷ đồng (bằng 22% giá trị trái phiếu phát hành); cùng ngày 7/1/2022, Công ty Trường Phú tăng vốn từ 460 tỷ đồng lên 795,5 tỷ đồng (bằng 26,9% giá trị); tương tự, ngày 8/4/2022, Công ty Hưng Thịnh nâng quy mô vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên gần 1.235 tỷ đồng (bằng 34,3% tổng khối lượng chào bán).
Không chỉ là doanh nghiệp có tuổi đời khá trẻ, Công ty Tường Khải, Công ty Trường Phú, hay Công ty Hưng Thịnh gần như chưa hoạt động kể từ khi chào đời (doanh thu thuần liên tiếp ở mức 0 đồng).
Bên cạnh các điểm chung đã nêu trên, nhóm doanh nghiệp này đều có liên quan mật đến Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp).
Khu đất thực hiện dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. |
SDI Corp được biết đến với vai trò chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, nằm liền kề sông Rạch Chiếc và cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc thành phố Thủ Đức. Khu đô thị Sài Gòn Bình An từng được Sacombank định giá lên tới gần 19.500 tỷ đồng.
Là dự án lớn, song tiến độ lại rất chậm trễ và đã "trùm mền" gần 2 thập kỷ. Điểm sáng là gần đây bản thân SDI Corp, hay các doanh nghiệp dự án thành phần đang tích cực gọi vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng Khu đô thị Sài Gòn Bình An, với sự tham gia của các thành viên thương hiệu phát triển bất động sản hạng sang Masterise Group.
Trước khi về tay Masterise Group, năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, nổi bật là việc UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khi chưa có văn bản chấp thuận độ cao tĩnh không, không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe cho khối nhà ở, nhà ở kết hợp chung cư kết hợp thương mại dịch vụ, để SDI chậm thực hiện việc ký quỹ.
Cùng với đó là chậm xử lý các tồn tại của dự án như đã nêu trong kết luận thanh tra, dẫn đến chậm tính để thu tiền sử dụng đất theo quy định và chậm tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng.
SDI Corp hiện cũng là doanh nghiệp nợ thuế lớn tại địa phương. Trong bản danh sách doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ đợt 2/2022, do Cục thuế TP.HCM công bố ngày 15/5, SDI Corp nợ 404,5 tỷ đồng.