FLC thoát lỗ quý III nhờ hoạt động tài chính

Nhờ hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính mà Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết thoát lỗ quý III, đồng thời chấm dứt đà thua lỗ 2 quý liên tiếp.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Công ty CP Tập đoàn FLC ghi nhận một loạt thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh tác động tới hiệu quả kinh doanh quý thứ 3 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, 3 tháng gần nhất, tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng này ghi nhận 3.437 tỷ đồng doanh thu, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động bán hàng và bất động sản.

Đà giảm giá vốn thấp hơn mức giảm của doanh thu khiến FLC hoạt động trong tình trạng thu không đủ bù chi khiến tập đoàn lỗ gộp 327 tỷ đồng quý III, trong khi cùng kỳ lãi dương 58 tỷ. Đây đã là quý lỗ gộp thứ 4 liên tiếp của FLC từ cuối năm 2019 đến nay.

Tuy nhiên, nhờ việc tiết giảm được hàng chục tỷ đồng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, cộng với khoản doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến, mang về hơn 1.300 tỷ đồng nên FLC đã thoát lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh quý III.

Kết quả, tập đoàn này ghi nhận khoản lãi trước thuế 578 tỷ đồng trong quý, tăng 430% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp tăng hơn 800%, đạt 577 tỷ.

KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG QUÝ CỦA FLC

Nhãn I/2019 II III IV I/2020 II III
Doanh thu tỷ đồng 3019 3276 5196 5093 4768 1722 3437
Lợi nhuận sau thuế
8 13 64 591 -1892 -838 577

Theo lãnh đạo FLC, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nên doanh thu quý III của tập đoàn giảm 34% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, chi phí thuê văn phòng, căn hộ… của mảng hàng không, khách sạn, du lịch tăng cao hơn so với doanh thu khiến tập đoàn lỗ gộp.

Tuy vậy, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 182%, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn tăng hơn 800%. FLC không thuyết minh cụ thể về nguồn thu hoạt động tài chính phát sinh kể trên nhưng đây chính là số thu đến từ việc bán các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh trong kỳ.

Cuối tháng 6, giá trị chứng khoán kinh doanh của tập đoàn này đạt trên 3.110 tỷ, tăng gần 18 lần so với đầu năm. Đến cuối tháng 9, giá trị khoản mục này trên bảng cân đối kế toán đã giảm còn 2.631 tỷ đồng. Mới nhất, FLC đã bán ra toàn bộ 1,24 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Công ty CP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) từ ngày 20/10 đến 26/10 và thu về hơn 232 tỷ đồng tiền mặt.

Tính trong 9 tháng từ đầu năm, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận 9.927 tỷ đồng doanh thu, giảm 13%. Tương tự quý III, hoạt động kinh doanh kỳ 9 tháng của FLC cũng diễn ra trong tình trạng thu không đủ bù giá vốn khiến tập đoàn lỗ gộp gần 2.600 tỷ đồng.

Khoản lãi đột biến trong quý III chỉ giúp FLC giảm lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng còn 2.213 tỷ đồng.

Năm 2020, FLC dự kiến ghi nhận 12.500 tỷ doanh thu và lỗ kế hoạch 1.957 tỷ đồng. Như vậy, sau 3/4 năm tài chính, FLC đã hoàn thành 79% chỉ tiêu doanh thu, nhưng lỗ nhiều hơn 13% kế hoạch.

Đáng chú ý, dù thua lỗ hàng nghìn tỷ từ đầu năm, lưu chuyển tiền thuần hoạt động kinh doanh của FLC vẫn ghi nhận con số dương trong kỳ.

Trong đó, ngoài lợi nhuận trước thuế âm 2.208 tỷ đồng sau 9 tháng, FLC còn ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động đầu tư 1.521 tỷ. Tuy nhiên, nhờ việc tăng các khoản phải trả (không kể lãi vay phải trả, thuế thu nhập doanh nghiệp phải trả) lên hơn 8.100 tỷ đồng mà dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn vẫn ghi nhận số dương hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngược lại, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của FLC kỳ vừa qua ở mức âm 2.137 tỷ và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 302 tỷ đồng. Tổng cộng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ 9 tháng gần nhất của FLC ở mức âm 381 tỷ, trong khi cùng kỳ dương 49 tỷ.