Gas Venus: Nợ gấp 56 lần vốn, cầm cố từ ôtô tải đến tàu

Công ty TNHH Gas Venus có ông chủ “liên quan” đến nhà máy Stavian Quảng Yên luôn có chỉ tiêu nợ phải trả rất cao, cao gấp 56 lần vốn chủ sở hữu. Để nhận được các khoản vay, công ty phải cầm cố nhiều tài sản, từ ôtô tải đến tàu.
gas venus no gap 56 lan von cam co tu oto tai den tau

Là một doanh nghiệp ngành gas nổi tiếng, nhưng Công ty TNHH Gas Venus khá kín tiếng. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, Gas Venus bất ngờ được truyền thông nhắc tới nhiều vì ông chủ liên quan đến “siêu dự án” mới ra mắt. Đó là Stavian Quảng Yên có vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD. Gas Venus gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Hồng Hiệp (đại gia Hiệp Gas) bởi vị đại gia này đã từng là sếp lớn và cổ đông lớn của Gas Venus.

Mới đây, trong năm 2021, Công ty Cổ phần Hoá dầu Stavian Quảng Yên được thành lập để phát triển nhà máy Stavian Quảng Yên. Ông Nguyễn Hồng Hiệp sở hữu 10% vốn công ty này. Các cổ đông còn lại là Công ty Cổ phần Stavian Hoá Chất (sở hữu 49% vốn điều lệ Stavian Quảng Yên), Công ty Cổ phần Cảng Hàng lỏng Yên Hưng - Yên Hưng Port (sở hữu 39% vốn).

Đáng chú ý, bà Lương Thị Sinh - vợ của ông Hiệp đứng tên 498.000 cổ phần, tương đương 24,9% vốn điều lệ Yên Hưng Port. Như vậy, có thể thấy, ông Hiệp có sức ảnh hưởng lớn hơn tỷ lệ nắm giữ 10% của mình tại Công ty Stavian Quảng Yên.

Nợ gấp 56 lần vốn

Như đã nói ở trên, Gas Venus có ông chủ có mối quan hệ mật thiết với Công ty Stavian Quảng Yên dù rằng đến tháng 9/2021, ông Hiệp đã nhượng lại 68,966% cổ phần Gas Venus cho ông Lê Tiến Dương. Ông Hiệp không còn là cổ đông Gas Venus kể từ đó.

Gas Venus là thương hiệu gas khá nổi tiếng. Thế nhưng, Công ty lại gây bất ngờ khi thua lỗ thảm thù thường xuyên đạt doanh thu ngàn tỷ. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu của Gas Venus lần lượt đạt 2.143 tỷ đồng, 3.086 tỷ đồng, 3.262 tỷ đồng, 3.647 tỷ đồng và 3.641 tỷ đồng. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu tại Gas Venus đã chững lại.

Doanh thu khủng nhưng Gas Venus lại chìm trong thua lỗ. 5 năm vừa qua, các khoản lỗ mà Gas Venus lên đến 9,1 tỷ đồng (năm 2016), 19,2 tỷ đồng (năm 2017). Đến năm 2018, công ty xuống “đáy” khi lỗ kỷ lục hơn 158 tỷ đồng. Tới 2019, số lỗ giảm xuống 57,4 tỷ đồng nhưng lại vọt lên 96,6 tỷ đồng vào năm 2020.

Không chỉ đối mặt với tình cảnh thua lỗ triền miên, Gas Venus còn gánh nợ nần chồng chất. Nợ phải trả của công ty cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả tại Gas Venus lên đến gần 1.982 tỷ đồng, cao gấp 56,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 98,3% tổng nguồn vốn.

Cầm cố từ ôtô tải đến tàu

Mới nhất, ngày 26/3/2022, Gas Venus đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Tài sản đảm bảo là “Toàn bộ các quyền đòi nợ của Bên bảo đảm phát sinh từ và liên quan đến tất cả/bất kỳ Hợp đồng, văn bản, thỏa thuận, tài liệu nào liên quan đến hoạt động cho thuê, khai thác, sử dụng con tàu mang tên OPEC ENERGY, số IMO/hô hiệu: 9002908”.

“Quyền nhận/hưởng các khoản tiền hoàn trả, phạt, bồi thường thiệt hại từ các Hợp đồng đầu ra do Bên bảo đảm ký với Bên có nghĩa vụ thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào; quyền thụ hưởng bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm với Tàu OPEC ENERGY” cũng nằm trong danh sách tài sản đảm bảo.

Trước đó, vào ngày 24/2/2022, Gas Venus cũng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Cho thuê Tài Chính Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam. Tài sản đảm bảo là 1 xe bồn chở LPG, 4 ôtô tải Hino, 5 ôtô tải Isuzu. Vào tháng 2/2021, Gas Venus đã cầm cố 12 xe tải isuzu model NLR55E tại Công ty TNHH Một thành viên Cho thuê Tài Chính Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam để vay vốn.