Cụ thể, lô trái phiếu BONDGEX/2020.01 được Gelex phát hành vào ngày 22/7/2020 và lô trái phiếu BONDGEX/2020.02 được phát hành vào ngày 23/7/2020. Cả hai lô trái phiếu đều có giá trị theo mệnh giá 200 tỷ đồng, đều có kỳ hạn ba năm, lãi suất cố định 10%/năm trong hai năm đầu. Kể từ năm thứ 3, lãi suất của hai lô trái phiếu sẽ bằng tổng của lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 3%/năm.
Gelex cam kết mua lại cả hai lô trái phiếu. Tại thời điểm tròn 24 tháng kể từ ngày phát hành, các trái chủ có quyền bán lại tối đa 100% lượng trái phiếu nắm giữ cho Gelex với giá bằng mệnh giá cộng với tiền lãi chưa thanh toán, với điều kiện trái chủ phải thông báo bằng văn bản kế hoạch bán lại trái phiếu trước ba tháng.
Gelex dự kiến sẽ mua lại 135,2 tỷ đồng trái phiếu BONDGEX/2020.01 vào ngày 22/7 và mua lại 69,7 tỷ đồng trái phiếu BONDGEX/2020.02 vào ngày 23/7 sắp tới, tức là đúng 24 tháng sau ngày phát hành.
Cả hai lô trái phiếu nói trên đều có tài sản bảo đảm là cổ phiếu VCW do Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà phát hành và thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Năng lượng Gelex.
Được biết, Đầu tư Nước sạch Sông Đà là công ty con do CTCP Hạ tầng Gelex sở hữu 62,5%. Tập đoàn Gelex nắm 96,7% quyền biểu quyết tại Hạ tầng Gelex.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên hôm nay 1/7, cổ phiếu GEX tăng 1,53% lên mức 19.850 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 8,4 triệu đơn vị.
Trước đó, Gelex mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu GEXH2124003. Được biết, trái phiếu phát hành ngày 31/12/2021 và đáo hạn ngày 31/12/2024 với kỳ hạn 3 năm. Như vậy, sau hơn 5 tháng phát hành, GEX đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này.
Ngoài ra, ngày 27/5, Gelex thông báo phương án mua lại ba lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Các trái phiếu này được phát hành ngày 15/4/2020, ngày 13/5/2020 và ngày 31/12/2021, tất cả đều có kỳ hạn ba năm. Ngày tổ chức mua lại là 8/6 và 17/6/2022.
Thêm nữa, Gelex công bố thông tin hoàn tất mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào ngày 19/5/2022.
Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 19/5/2021, có lãi suất cố định là 8,5%/năm, kỳ hạn 3 năm và thời gian đáo hạn là ngày 19/5/2022. Giá mua lại mỗi trái phiếu bằng mệnh giá trái phiếu (100 triệu đồng/trái phiếu) cộng với tiền lãi trái phiếu tính theo số ngày thực tế.
Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 18 triệu cổ phần GEX tại Tập đoàn GELEX và hơn 21 triệu cổ phiếu PXL tại CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Tổng giá trị tài sản bảo đảm được xác định khi phát hành là 460 tỷ đồng. Định kỳ ba tháng một lần, tài sản bảo đảm được định giá lại.
Sau sự kiện Tân Hoàng Minh hồi đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn
Theo thesaigontimes.vn, một tín hiệu đáng chú ý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây là việc tuy chưa đến thời điểm đáo hạn nhưng không ít doanh nghiệp đã chủ động bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để mua lại trái phiếu do chính mình phát hành.
Điển hình như Tập đoàn Gelex (GEX). Trong vòng chưa đầy hai tháng, tính đến ngày 17/6/2022, Gelex tổ chức bốn đợt mua lại trái phiếu, với tổng giá trị 1.423 tỉ đồng, trong đó có lô chỉ mới phát hành hơn năm tháng. Gelex cho biết, nguồn mua lại các lô trái phiếu là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư hợp pháp của tập đoàn.
Một doanh nghiệp khác có liên hệ mật thiết với Gelex là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (VIX) mới đây cũng công bố đã mua lại toàn bộ 300 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Lô trái phiếu này kỳ hạn ba năm, phát hành ngày 5/4/2021 và đáo hạn ngày 5/4/2024. Như vậy, sau hơn một năm phát hành, VIX đã mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành.
Trước đó, trong tháng 5/2022, không ít doanh nghiệp đã công bố hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông mua trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 200 tỉ đồng vào ngày 12/5; Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thương lượng thành công để thanh toán trước hạn gói trái phiếu 155 tỉ đồng vào ngày 18/5; Công ty cổ phần An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ bảy lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỉ đồng (đây là bảy lô trái phiếu có thời điểm đáo hạn sớm nhất từ tháng 8 và trễ nhất là tháng 10/2024).
Hay như Công ty Intimex Việt Nam cũng mua lại trước hạn gói 2.000 tỉ đồng trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027; Ngân hàng TMCP TPBank cũng tất toán sớm hai gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỉ đồng (trong đó bao gồm 1.000 tỉ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỉ đồng đáo hạn tháng 4/2023); Ngân hàng TMCP MSB mua sớm 1.000 tỉ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong bốn tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỉ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, giá trị mua lại trái phiếu trước hạn của tháng 4/2022 tăng đột biến với mức 11.900 tỉ đồng, gần bằng tổng giá trị mua lại trong ba tháng đầu năm nay là 12.800 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, một số doanh nghiệp đã chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đồng thời, sau Chỉ thị 01/CT-BTC của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn đã thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới. Theo đó, khối lượng phát hành trong hai tuần đầu tháng 5 tiếp tục giảm, đạt 5.200 tỉ đồng, chỉ tương đương một phần ba khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân doanh nghiệp mua lại trái phiếu
Nhiều doanh nghiệp cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra sau sự kiện Tân Hoàng Minh hồi đầu tháng 4. Định hướng thắt chặt của cơ quan quản lý đã khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Mặt khác, sau vụ việc hơn 10.000 tỉ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, nhiều nhà đầu tư cũng mang tâm lý e ngại và muốn tất toán trước hạn số trái phiếu đã mua.
Và mặc dù liên tiếp tiến hành các đợt mua lại trong một thời gian ngắn, thông tin về các đợt phát hành hay mua lại trước hạn trái phiếu của các doanh nghiệp vẫn trở nên vô cùng nhạy cảm với nhiều tin đồn tiêu cực, khiến không ít doanh nghiệp phải nhiều lần lên tiếng trấn an nhà đầu tư và cổ đông.
Về cơ bản, tuy quy mô mua lại trái phiếu không lớn so với tổng quy mô phát hành, nhưng trong bối cảnh cơ quan quản lý đang có định hướng thanh lọc thị trường thì đây là hiện tượng đáng lưu ý. Nhất là trong hai năm 2022-2023, số trái phiếu đáo hạn ước khoảng 540.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành.
Dưới góc độ doanh nghiệp, mặt tích cực của việc mua lại trái phiếu trước hạn là doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Đây là động thái tích cực để doanh nghiệp cải thiện các chỉ tiêu tài chính.
Nhìn chung, sau những sự kiện gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong tình trạng khá ảm đạm nhằm chờ các tín hiệu tiếp theo của nhà điều hành. Trong thời gian đó, việc thu xếp mua lại trái phiếu trước hạn tạm thời đang là giải pháp có thể thỏa mãn nhu cầu của cả nhà phát hành lẫn nhà đầu tư.