Giá đất tăng nhanh nhưng tỉnh Đắk Lắk chậm ban hành điều chỉnh bảng giá đất

Nội dung này được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong văn bản ban hành mới đây liên quan công tác quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Đắk Lắk.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra về việc trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất đai cùa UBND tỉnh Đắk Lắk còn có  những tồn tại, thiếu sót.

Nhiều vi phạm Luật đất đai

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện như: TP Buôn Ma Thuột, huyện M'Drắc, huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp, huyện Ea H'leo chưa sát với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực tế thực hiện chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu kế hoạch được duyệt, nhiều chỉ tiêu đạt với tỷ lệ quá thấp.

du-an-duong-dong-tay-tp-buon-ma-thuot-1669707169.jpg
Dự án đường Đông Tây TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk dài 6,9 km, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2015, tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu 998 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên tăng lên 1.239 tỷ đồng. Ảnh minh họa. Nguồn vietnammoi.vn

Từ năm 2014 đến năm 2020 giá đất trên thị trường có nhiều biến động, theo hướng tăng, nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk chưa kịp thời ban hành Quyết định điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định.

Tại một số huyện, thành phố, thị xã công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai vẫn còn sai sót, thời gian giải quyết để kéo dài, gây bức xúc cho dân…

Tại TP Buôn Ma Thuột tạo điều kiện cho các hộ dân hiến đất mở đường nội bộ trong phần đất đang quản lý sau đó tách thửa xin chuyển mục đích sang đất ở chuyển nhượng thu lợi trái phép. Trong đó, giao đất cho 6 hộ tại TP Buôn Ma Thuột xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định, làm thất thu ngân sách theo ước tính khoảng 2.423 triệu đồng.

tong-cong-ty-ca-phe-viet-nam-1669707200.jpeg
Tổng công ty Cà phê Việt Nam. (ảnh Kinhdoanh.net)

Tình trạng lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp còn diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp, thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp xử lý dứt điểm. Đặc biệt là tại 7 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm trực tiếp để xảy ra các sai phạm, vi phạm nêu trên trước hết thuộc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Xây dựng Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột); Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Xây dựng. Thanh tra các huyện, thành phố và các cá nhân có liên quan. Liên quan đến việc để người dân lấn chiếm xây dựng dựng nhà trái phép đất nông nghiệp còn có trách nhiệm của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Giám đốc các Công ty thành viên trực thuộc trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Liên quan đến dự án khách sạn Mường Thanh, theo Giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cấp năm 2016, dự án Tổ hợp khác sạn 5 sao có chiều cao 25 tầng, đến năm 2017 mới xây được 18 tầng và đưa vào hoạt động nhưng chủ đầu tư chưa làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép xây dựng.

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về trật tự xây dựng đối với các dự án đầu tư tại thành phố Buôn Ma Thuột phát hiện vi phạm nhưng xử lý không triệt để. Đặc biệt là Dự án nhà ở thương mại tại Khối 7, phường Tân Lợi và Dự án Nhà ở xã hội khu tập thể Công ty cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk, để xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng nghiêm trọng, diễn ra thời gian dài, báo chí nêu, dư luận bức xúc nhưng việc xử lý chưa dứt điểm.

Việc quản lý các dự án khoảng sản còn chưa chặt chẽ, tuân thủ các quy định của Luật Khoáng sản hay việc quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư, cho thuê đất, chuyển mục (sử dụng đất, tổ chức thực hiện một số dự án như: Trang trại phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), huyện Ea H'leo, Nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H'leo, Trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng và Dự án Nhà máy Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, huyện Ea Súp có một số sai phạm, tồn tại nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Chưa cấp phép đã xây dựng

Cụ thể đối với dự án nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo Chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam, chưa có quyết định thu hồi và bàn giao ký hợp đồng thuê đất, hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng nhưng Chủ đầu tư đã tiến hành thi công xây dựng trụ móng tuabine, nhà điều hành, trạm biến áp. Việc làm này gây ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp và người dân địa phương. Đến nay theo báo cáo UBND tỉnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu Chủ đầu tư hoàn thiện trình tự, thủ tục của dự án để đưa Dự án vào vận hành, phát điện theo quy định nhưng những sai phạm tồn tại cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Đối với các công trình điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên trang trại Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk và các cấp chính quyền địa phương còn buông lỏng trong quản lý để người dân lách luật xây dựng công trình điện mặt trời lắp đặt trên trang trại đất nông nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và đây là một nguyên nhân dẫn đến quá tải cho hệ thống điện quốc gia, hiện phải giảm áp, lãng phí nguồn lực xã hội.

nhieu-cong-trinh-dien-nang-luong-mat-troi-ap-mai-cua-to-chuc-ca-nhan-xay-dung-trai-phep-tren-dat-nong-nghiep-do-su-buong-long-cua-cac-co-quan-chuc-nang-so-tai-1669708018.jpg
Nhiều công trình điện năng lượng mặt trời áp mái của tổ chức, cá nhân, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp do sự buông lỏng của các cơ quan chức năng sở tại (ảnh: Ngọc Giang, Báo Xây dựng).

Dự án Đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt tại Thôn 8, xã Ea Lại, huyện M’Drắk, việc UBND tỉnh chủ trương tạm ứng số tiền 55.365 triệu đồng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng đến nay nhà đầu tư chưa thống nhất hoàn trả, dẫn đến nguy cơ mất tiền ngân sách nhà nước.

Trong công tác quản lý rừng tự nhiên, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 71,5 ha rừng tự nhiên, nhưng hiện nay chỉ còn lại 20,27 ha, suy giảm 51,23 ha so với diện tích ban đầu nhưng UBND tỉnh chưa làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý.

Trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm, vi phạm về quản lý sử dụng đất đai và việc thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất như đã nêu ở trên trước hết thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính; Trưởng ban Quản lý Khu Công nghiệp; Cục trưởng Cục Thuế; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ đầu tư các dự án có sai phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Liên quan đến tình trạng để các doanh nghiệp xây dựng công trình điện mặt trời trái phép trên trang trại đất nông nghiệp trên địa bàn còn có trách nhiệm của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và trực tiếp là Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk.