Giá dầu tăng, lên đỉnh 14 năm

Chốt phiên 7/3, giá dầu Brent, WTI đều tăng.

Giá dầu Brent tương lai tăng 5,1 USD, tương đương 4,3%, lên 123,21 USD/thùng.

Giá dầu WTI tương lai tăng 3,72 USD, tương đương 3,2%, lên 119,4 USD/thùng.

Trong phiên, giá dầu Brent và WTI đều lên cao nhất kể từ tháng 7/2008 lần lượt là 139,13 USD/thùng và 130,5 USD/thùng.

“Bức tranh tổng quan hiện là sự gián đoạn nguồn cung ngày càng tệ”, Andrew Lipow, chủ tịch Lipow Oil Associates, Houston, bang Texas, nói. “Không ai muốn động chạm đến thứ gì liên quan Nga”.

Giá dầu toàn cầu tăng khoảng 60% kể từ đầu năm, gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới và lạm phát đình đốn. Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm nay.

Ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Mỹ cùng đồng minh châu Âu đang cân nhắc cấm nhập khẩu dầu Nga. Nhà Trắng ngày 7/3 thông báo Tổng thống Joe Biden chưa ra quyết định về cấm nhập khẩu dầu Nga.

Giá dầu có thể lên hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và Liên minh châu Âu cấm nhập dầu từ Nga, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo.

“Chúng tôi cân nhắc 125 USD/thùng là mức cản ‘mềm’ nhưng giá dầu vẫn có thể tăng hơn nữa nếu sự gián đoạn nguồn cung thêm trầm trọng hoặc kéo dài hơn”, Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS, nói. Chiến sự kéo dài ở Ukraine có thể đẩy giá dầu Brent vượt 150 USD/thùng. 

Giới phân tích tại Bank of America nói nếu hầu hết dầu xuất khẩu của Nga bị cắt bỏ, thị trường sẽ thiếu cung khoảng 5 triệu thùng/ngày hoặc hơn, đẩy giá lên cao tới 200 USD/thùng.

Nga là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về dầu thô và sản phẩm tinh chế với tổng sản lượng khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu. Một phần dầu Kazakhstan xuất khẩu từ các cảng Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 ngày 6/3 rơi vào bất ổn sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo các lệnh trừng phạt Moscow phải đối mặt liên quan xung đột ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng thương mại với Tehran. Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu mới, theo các nguồn tin.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nói Tehran không cho phép “bất kỳ yếu tố nước ngoài nào làm xói mòn lợi ích quốc gia”. Bộ Ngoại giao Iran cho biết họ đang chờ lời giải thích từ phía Nga.

Pháp cảnh bảo Nga không nên đe dọa các nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân trong khi quan chức an ninh hàng đầu Iran nói triển vọng đàm phán “vẫn chưa rõ ràng”.

Iran sẽ mất vài tháng để khôi phục dòng chảy dầu ngay cả khi nước này đạt thỏa thuận hạt nhân, theo giới phân tích.

Giới chức Mỹ và Venezuela đã thảo luận về kịch bản nới lỏng trừng phạt với Venezuela nhưng chưa có nhiều tiến triển trong đàm phán hướng đến một thỏa thuận, theo 5 nguồn thạo tin.

Tại Iraq, mỏ dầu West Qurna 2 sẽ bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 8/3 và sản lượng sẽ tăng dần cho đến khi đạt mức bình thường 400.000 thùng/ngày, theo hai nguồn tin. Mỏ dầu đóng cửa để bảo dưỡng hồi tháng 2.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 7/3 tăng, tiến sát mốc 2.000 USD/ounce.

Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 25,7 USD lên 1.998,6 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 2.002,31 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 19/8/2020.

Giá vàng tương lai tăng 1,5% lên 1.995,9 USD/ounce.

Giá vàng giao ngay tại sàn New York ngày 7/3.

Giá vàng giao ngay tại sàn New York ngày 7/3.

Giá bạc giảm 0,4% xuống 25,57 USD/ounce.

Giá platinum giảm 0,5% xuống 1.116,01 USD/ounce.