Giá khí đốt ở châu Âu quay trở về mức trước xung đột Nga-Ukraine

31/12/2022 10:04

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm xuống mức được ghi nhận lần cuối trước cuộc xung đột Nga-Ukraine khi thời tiết ấm hơn trong mùa đông giúp các nước trong khu vực duy trì nguồn dự trữ nhiên liệu này.

Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm sâu về mức trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Ảnh: Financial Times

Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm sâu về mức trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Ảnh: Financial Times

Giá khí đốt trên sàn TTF ở Hà Lan giao trong tháng tới (được xem là giá khí đốt chuẩn của châu Âu), giảm tới 7,4% vào hôm 28-12, xuống còn 76,78 euro/ MWh, mức thấp nhất trong 10 tháng, theo dữ liệu từ Refinitiv. Mức giá đó được ghi lại lần cuối ngay trước khi Nga tiến đưa quân vào Ukraine. Trong phiên giao dịch 29-12, giá khí đốt TTF tăng trở lại lên mức 83,8 euro /MWh.

Việc Moscow cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt bán sang châu Âu, kết hợp với nhiệt độ phá kỷ lục trong mùa hè đã đẩy khí đốt ở khu vực này tăng lên đến 345 euro/ MWh hồi tháng 8. Giá leo thang đã khiến hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình tăng vọt và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên khắp lục địa châu Âu.

Để kìm hãm đà tăng giá của khí đốt, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện một loạt các biện pháp bao gồm các mục tiêu giảm tiêu thụ và dự trữ khí đốt bắt buộc.

Giá khí đốt giảm mạnh trong những tuần gần đây sau khi khu vực tây bắc châu Âu ghi nhận nhiệt độ mùa đông ấm hơn bình thường. Và mức nhiệt độ hiện tại dự kiến sẽ kéo dài sang năm mới. Khi thời tiết ấm áp, làm giảm nhu cầu sưởi ấm, châu Âu có thể tích trữ khí đốt cho các kho dự trữ sau khi rút ra sử dụng từ giữa tháng 11 và trong những đợt lạnh giá vào những tuần đầu tháng 12.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá khí đốt châu Âu sẽ giảm mạnh trong những tháng tới khi các nước EU tạm thời giành được ưu thế về vấn đề nguồn cung.

“Theo quy luật thông thường, việc giá khí đốt tăng hoặc giảm 100 euro cho mỗi MWh sẽ làm thay đổi chi phí khí đốt của nền kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) ở mức tương đương với gần 3% GDP”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg (Đức) giải thích.

Tuần trước, EU đã nhất trí một cơ chế tạm thời để hạn chế giá khí đốt ở mức quá cao, có hiệu lực vào ngày 15-2. Cơ chế điều chỉnh thị trường này sẽ tự động được kích hoạt nếu giá khí đốt TTF ở Hà Lan giao cho tháng tiếp theo vượt mức 180 euro/MWh trong ba ngày liên tiếp và cao hơn 35 euro trở lên so với giá tham chiếu của LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) toàn cầu trong cùng ba ngày đó.

Sau khi được kích hoạt, các giao dịch sẽ không được phép đối với các hợp đồng TTF kỳ hạn một tháng, ba tháng và một năm với mức giá cao hơn 35 euro/MWh so với giá LNG tham chiếu.

Các thương nhân lo ngại việc đặt ra giới hạn giá như vậy có thể làm méo mó thị trường hơn là thực sự giúp hạn chế giá. Họ nói rằng nó có thể tạo ra một tình huống, trong đó giá khí đốt bị giới hạn trên thị trường tương lai nhưng người mua và người bán đổ xô đến một thị trường tư nhân, tự do để giao dịch khí đốt với mức giá cao hơn nhiều.

Kể từ đêm Giáng sinh, châu Âu đã bổ sung nhiều khí đốt hơn vào các cơ sở lưu trữ hơn là lấy ra sử dụng. Các kho trữ khí đốt trong khu vực đang được lấp đầy ở 83,2% vào hôm 26-12, giảm so với mức cao 95,6% trong tháng 11, theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE).

Mức lưu trữ khí đốt hiện tại ở châu Âu cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn khoảng 10% so với mức trung bình của 5 năm trước.

Nhu cầu khí đốt giảm cũng hỗ trợ nguồn khí đốt tồn kho. Trong tháng 10 và tháng 11, châu Âu đã giảm nhu cầu khí đốt khoảng 25% với mức trung bình 5 năm.

Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo châu Âu sẽ gặp khó khăn khi tìm cách bổ sung khí đốt dự trữ vào năm tới do nguồn cung từ các đường ống của Nga sẽ thấp hơn đáng kể và thị trường LNG mà khu vực này phụ thuộc trong trong năm nay vẫn còn thắt chặt.

“Chúng tôi tin rằng năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với thị trường khí đốt của châu Âu”, Ewa Manthey, nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng ING, nói và lưu ý thêm rằng khu vực này khó có thể lưu trữ khí đốt với tốc độ nhanh như trong năm 2022.

“Nhu cầu khí đốt cần tiếp tục giảm để đảm bảo cung cấp đủ cho mùa đông 2023-2024. Để chứng kiến sự phá hủy nhu cầu này, giá cần phải duy trì ở mức cao. Chúng tôi dự báo giá khí đốt TTF sẽ đạt mức trung bình 175 euro/MWh trong năm 2023”, Manthey nói.

Bạn đang đọc bài viết "Giá khí đốt ở châu Âu quay trở về mức trước xung đột Nga-Ukraine" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#