Giá vàng thế giới cao nhất 8 tháng

Lạm phát tăng cao cùng căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đưa giá vàng vật chất thế giới lên sát ngưỡng 1.900 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 6/2021 đến nay.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại phiên giao dịch 17/2 với diễn biến tăng mạnh ở cả mặt hàng giao ngay và tương lai. Trong đó, vàng vật chất giao ngay trên sàn New York có phiên tăng mạnh thứ 2 kể từ đầu năm 2022 khi giá điều chỉnh xấp xỉ 30 USD trong phiên.

Cụ thể, giá vàng vật chất đêm qua tại sàn này ghi nhận mức tăng 29,3 USD, đóng cửa ở mức 1.899,2 USD/ounce, tương đương mức tăng ròng 1,6%/ngày. Tuy không phải mức giá cao nhất trong ngày, việc giá kim quý tăng mạnh lên sát ngưỡng 1.900 USD cũng đưa mặt hàng này lên mức cao nhất 8 tháng.

Lần gần nhất nhà đầu tư thấy giá vàng thế giới giao dịch trên ngưỡng 1.900 USD đã diễn ra từ đầu tháng 6/2021.

Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay sau khi tăng vượt mốc 1.900 USD đang ghi nhận xu hướng hạ nhiệt, hiện phổ biến giao dịch quanh mức 1.891,4 USD/ounce, cao hơn 21,5 USD so với phiên liền trước.

Trên biểu đồ giá hàng ngày, vàng vật chất thế giới đã có xu hướng tăng hơn 100 USD chỉ trong 2 tuần gần nhất. Cuối tháng 1, giá mặt hàng này vẫn đang giao dịch quanh vùng 1.790 USD.

Giá vàng thế giới đã tăng hơn 100 USD từ cuối tháng 1 đến nay. Nguồn: Tradingview.

Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, giá vàng đã tăng 12/14 ngày giao dịch gần nhất và cao hơn 6,02% giá trị kể từ ngày 31/1.

Trong đó, lạm phát gia tăng là động lực cơ bản khiến vàng tăng cao hơn trong năm nay. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị gần đây giữa Nga và Ukraine là lý do khiến giá vàng tăng hơn 100 USD chỉ trong 2 tuần.

Các nghiên cứu kỹ thuật của Kitco cho thấy có khả năng giá vàng sẽ kiểm tra vùng giá cao nhất lịch sử (2.088 USD/ounce) trong đợt tăng giá lần này, nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang.

Ông Wagner cho rằng trong khi các bên đều hy vọng vào một giải pháp ngoại giao thì tình hình hiện tại đã trở thành một cuộc khẩu chiến và cáo buộc giữa Nga, Ukraine, NATO và Mỹ.

Gần nhất, căng thẳng đã leo thang khi các quan chức phương Tây cáo buộc Nga không trung thực trong việc tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi biên giới Ukraine. Các thông tin tình báo của phương Tây và Mỹ đã đưa ra bằng chứng cho thấy Moscow bổ sung 7.000 quân tại khu vực này.

Vị chuyên gia cho biết chưa có gì chắc chắn căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu sẽ dịu đi, trong khi áp lực lạm phát là chắc chắn, điều này có thể tiếp tục đẩy giá vàng đi lên.

Tương tự, ông John Feeney, Giám đốc kinh doanh tại của Guardian Gold Australia, cho biết giá vàng sẽ còn nhiều biến động. Ông cho rằng giá vàng sẽ tăng thêm đáng kể khi có tin tức chính thức về một cuộc chiến tranh. Ngược lại, giá vàng có thể giảm tối thiểu 50 USD nếu tình hình lắng dịu.

Các chuyên gia phân tích của Citigroup Inc., mới đây cũng điều chỉnh kỳ vọng giá vàng ngắn hạn từ mức 1.825 USD lên 1.950 USD/ounce, với nguyên nhân chính là căng thẳng địa chính trị đang xảy ra.

Tuy nhiên, về dài hạn hơn, ngân hàng này lại giảm giá vàng với mục tiêu 1.750 USD/ounce trong vòng 6 đến 12 tháng tới vì lãi suất thực tế cao hơn và thị trường cổ phiếu mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến giá vàng một lần nữa.