Giá vàng thế giới có tuần tăng mạnh nhất 9 tháng, rút ngắn chênh lệch với trong nước

Giá vàng thế giới vừa hoàn tất tuần tăng mạnh nhất 9 tháng, khi cuộc khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine thúc đẩy nhu cầu nắm giữ kim loại quý để phòng ngừa rủi ro. Khoảng cách giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới quy đổi giảm còn 10,6 triệu đồng/lượng...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: MarketWatch.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: MarketWatch.

Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, giá vàng giao ngay tại thị trường New York không thay đổi so với mức giá chốt của phiên ngày thứ Năm ở 1.900,2 USD/oz. Giá vàng giao tháng 4 trên sàn COMEX giảm 2,2 USD/oz, tương đương giảm 0,1%, còn 1.899,8 USD/oz.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Năm, giá vàng giao ngay và giao sau cùng tăng khoảng 1,6%, tái lập ngưỡng chủ chốt 1.900 USD/oz. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của vàng từ hôm 2/6/2021.

Giá vàng đã có một tuần “rực rỡ”, khi “vai trò bảo toàn vốn và lưu trữ giá trị của vàng” được đẩy lên vị trí hàng đầu do căng thẳng địa chính trị - chiến lược gia Colin Cieszynski của SIA Wealth Management nhận định.

Theo dữ liệu từ FactSet, giá vàng tăng 3,1% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2021.

Xung đột ở biên giới Nga-Ukraine có những dấu hiện leo thang mới trong ngày thứ Sáu.Wall Street Journal nói rằng giới chức Mỹ nói Nga hiện đang tập trung khoảng 150.000 quân gần Ukraine và dự báo Nga sẽ mở một cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng chỉ trong vài ngày tới đây. Cùng với đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ đưa thêm lực lượng của Mỹ tới gần Ukraine.

Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.

Giám đốc nghiên cứu Adrian Ash của BullionVault cho rằng giá vàng có thể giảm nếu căng thẳng Nga-Ukraine dịu đi, nhưng các yếu tố nền tảng vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng. “Nhu cầu vàng của người tiêu dùng ở khu vực châu Á tiếp tục cải thiện sau thời gian đóng cửa do Covid. Các ngân hàng trung ương cũng tiếp tục mua ròng vàng”, ông Ash nhận định.

Các nhà đầu tư cũng đang dõi theo tình hình chính sách tiền tệ, với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 3 để chống lạm phát.

“Nỗi lo địa chính trị đang chiếm các dòng tít báo, nhưng tôi tin rằng động lực chủ chốt phía sau sự tăng giá này của vàng vẫn là sự leo thang của lạm phát”, CEO Peter Spina của GoldSeek.com phát biểu. “Xu hướng của giá vàng là tăng, và giá có thể tiếp tục đi nhanh lên ngưỡng kháng cự kỹ thuật tiếp theo là 1.920 USD/oz”.

Biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed công bố vào hôm thứ Tư tuần này không cho thấy Fed có một lập trường cứng rắn hơn so với những gì đã được công bố. Điều này hỗ trợ thêm cho giá vàng.

“Trong những tuần tới đây, có thể giá vàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ áp lực lạm phát cao. Tuy nhiên, khả năng tăng giá do rủi ro địa chính trị sẽ khó đoán hơn”, nhà quản lý danh mục Jason Teed thuộc Gold Bullion Strategy Fund QGLDX nhận định. “Khả năng giá vàng vượt 2.000 USD/oz trong mấy tháng tới là khó”.

Trong nước, giá vàng sáng nay (19/1) giảm, tiếp tục rút ngắn chênh lệch với giá vàng thế giới.

Lúc gần 10h, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 62,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,15 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,8 triệu đồng/lượng và 54,5 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với hôm qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 62,55 triệu đồng/lượng và 63,25 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 10,55 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 11,1 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Sau Tết, giá vàng miếng “vênh” thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng. Chênh lệch rút ngắn cho thấy giá vàng trong nước đang “đuối” so với thế giới, trong bối cảnh nhu cầu vàng trong nước trầm lắng sau dịp Thần Tài.

Trên thị trường quốc tế, đồng USD tăng giá trong phiên ngày thứ Sáu, với chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức 96,1 điểm, từ mức 95,85 điểm vào sáng qua. Cả tuần, chỉ số này tăng 0,02%, theo dữ liệu từ MarketWatch.

Trong nước, giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.450 đồng (mua vào) và 23.510 đồng (bán ra), giảm tương ứng 20 đồng và 10 đồng so với hôm qua. So với đầu tuần, giá USD tự do đã giảm 60 đồng.

Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.700 đồng và 22.980 đồng, tăng 50 đồng ở cả hai đầu giá. Trong vòng 5 ngày, giá USD tại Vietcombank đã tăng 170 đồng.