Giá vàng trong nước chênh thế giới 11 triệu: Ai trả lời câu hỏi vì sao?

Trong khi giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh thì giá vàng trong nước vẫn tăng. Hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên mức kỷ lục, gần 11 triệu đồng/lượng. Điều này là do đâu?

Sau giai đoạn tăng liên tục từ cuối tháng 9, từ đầu tuần này, thị trường vàng thế giới trải qua giai đoạn giao dịch kém tích cực khi liên tục giảm sâu.

Sau phiên lao dốc hơn 40 USD vào ngày 22/11, giá vàng lại giảm mạnh trong ngày 23/11. Đêm 23/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.786 USD/ounce; vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.788 USD/ounce, vùng giá thấp nhất trong 3 tuần gần đây. Còn so với đầu năm 2021, giá vàng thế giới đêm 23/11 đã thấp hơn khoảng 5,8% (109 USD/ounce).

Chiều 24/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.792 USD/ounce; vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.794 USD/ounce. Tuy giá vàng ngày 24/11 có tăng nhẹ nhưng vẫn không vượt được vùng giá 1.800 USD/ounce.

So với 1 tuần trước, giá vàng hiện đã giảm hơn 80 USD, tương đương mức giảm ròng hơn 4% sau một tuần.

Giá vàng trên thị trường quốc tế lao dốc giữa lúc đồng USD tăng vọt và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngày càng tăng cao. Theo các chuyên gia, lo ngại về hành động chính sách tiền tệ từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khiến giá vàng giảm.

Trong khi giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước vẫn giữ xu hướng tăng, khiến chênh lệch giữa 2 thị trường đạt mức cao kỷ lục.

Giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới.

Vào sáng 24/11, giá vàng trong nước bất ngờ hồi phục và vượt mốc 60 triệu đồng/lượng. Tới 14h30' ngày 24/11, giá vàng 9999 tăng 400 nghìn đồng so với đầu giờ sáng. Cụ thể, giá vàng 9999 được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji giao dịch tại Hà Nội ở mức 59,40 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,10 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn giá vàng SJC tại Hà Nội được giao dịch ở mức 59,55 triệu đồng/lượng (mua vào) - 60,27 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trong tuần trước, giá vàng SJC đã vượt ngưỡng 62 triệu đồng/lượng, sau đó quay đầu giảm. Hiện giá vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp trong nước đã trở lại mốc trên 60 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng hơn 49 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng trong nước tăng trái chiều với giá vàng thế giới khiến chênh lệch giữa 2 thị trường càng bị nới rộng. Giá vàng miếng trong nước hiện đắt hơn gần 11 đồng/lượng, tương đương chênh tới hơn 20% so với giá vàng thế giới. Đây là mức chênh cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn trong nước trong vài phiên gần đây liên tục giảm. Nhưng so với giá vàng nhẫn trên thị trường thế giới, giá vàng nhẫn trong nước cũng cao hơn 3 triệu đồng, tương đương 6%.

Có một điều dễ nhận thấy là từ nhiều năm trước, giá vàng trong nước luôn ở mức chênh lệch cao hơn so với giá vàng thế giới, bất chấp quy luật giá vàng trong nước sẽ tăng, giảm theo sự tăng, giảm của giá vàng thế giới.

Song, những năm trước, mức chênh lệch này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Còn từ đầu năm nay, giá vàng trong nước có một số thời điểm đã cao hơn giá vàng thế giới từ 15-18% và hiện nay chênh tới hơn 20%.

Việc giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới và có nhiều phiên biến động lệch pha với giá vàng quốc tế khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu về thị trường vàng trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đắt hơn nhiều so với giá vàng thế giới là do nguồn cung hạn chế và nhu cầu mua để tích trữ thay vì giao dịch của người dân.

Theo đại diện một số doanh nghiệp vàng lớn tại Việt Nam, lý do khiến giá vàng miếng trong nước luôn đắt hơn thế giới là vì các doanh nghiệp không được tự chủ nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất. Vì nguồn cung chủ yếu đến từ hoạt động mua đi bán lại, mua giá nào bán giá đó nên không có cơ sở để giảm theo thị trường thế giới.

Thị trường vừa trải qua đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 khiến các tiệm vàng phải đóng cửa dài ngày. Hiện nay, không khí mua bán vàng tại các thành phố lớn vẫn khá ảm đạm.

Tại Việt Nam, vàng được xem là một loại tài sản hữu hình nên nhiều người mua vàng để tích trữ, bảo vệ tài sản chứ không mua đi bán lại như thế giới.

Việc chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khiến người mua chịu thiệt thòi, tạo nên sự bất thường với thị trường vàng trong nước. Do đó, rất cần có giải pháp để làm sao cho giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới.