Ngày 22.7, giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 96 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu trên ngưỡng 103 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 21.7, giá dầu thô Brent giao tháng 9 đã giảm xuống mức 103,86 USD/thùng, giảm 3,06 USD, tương đương 2,9%; hợp đồng giao tháng 10 xuống dưới mốc 100 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,53 USD, tương đương 3,5%, trượt xa khỏi mốc 100 USD/thùng, xuống còn 96,35 USD/thùng.
Trong phiên, nhiều thời điểm 2 hợp đồng này mất đến 5 USD/thùng.
Giá dầu thế giới hôm nay có xu hướng giảm do lo ngại nhu cầu dầu yếu đi sau thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất tới 50 điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng tăng lãi suất, tập trung kiềm chế lạm phát hơn là lo lắng suy thoái kinh tế, vốn có thể gây giảm sút nhu cầu dầu. Bên cạnh đó, nguồn cung dầu đang dần được khôi phục ở Libya cũng như dòng khí đốt đến châu Âu đã được nối lại sau thời gian bảo trì của đường ống Nord Stream 1. Trước đó, thông tin dự trữ xăng tại Mỹ tăng mạnh, đẩy giá xăng trong nước giảm sâu, khoảng 3,8%.
Trong nước, chiều 21.7, liên bộ Công thương - Tài chính đã cho điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, mức giảm đối với các mặt hàng xăng từ 2.700 - 3.600 đồng/lít, với dầu từ 1.000 - 1.800 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 không quá 25.073 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.070 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.858 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.246 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.
Đáng lưu ý, trong lần điều chỉnh này, cơ quan điều hành tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá 950 đồng/lít với xăng và 550 đồng/lít với dầu. Nhờ đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước từ âm 140 tỉ đồng hồi đầu tháng 7, nay quỹ đã dương trở lại khoảng 53 tỉ đồng.