Theo đó, giá xăng E5 tăng 380 đồng/lít, giá bán là 21.870 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, giá bán là 22.750 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít, giá bán là 25.070 đồng/lít.
Dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán là 23.780 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ ngừng chi Quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 là 300 đồng/lít, dầu madut 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/10-01/11) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Vũ Hán; khai thác và xuất khẩu dầu thô của Hoa Kỳ tăng; biến động tăng giảm của đồng USD; hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ giảm gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế; việc nhiều ngân hàng trung ương của các nước châu Âu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát,...
Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON95, dầu madut và giảm nhẹ đối với dầu diesel và dầu hỏa và xăng RON92.
Kỳ điều hành này, ngoài tác động của sự biến động giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước còn tiếp tục chịu cả tác động của tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng Vietcombank liên tục tăng (tỷ giá mua chuyển khoản và bán ra bình quân dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 1/11 ở mức 24.346-24.879 đồng/USD, tăng 518-520 đồng/USD so với kỳ điều hành ngày 21/10) sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao động tỷ giá từ 3% lên mức 5% và liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của USD/VND (từ mức 23.688 đồng/USD ngày 21/10 lên mức 23.697 đồng/USD ngày 1/11).
Giá mặt hàng xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu diesel nếu không có tác động của yếu tố tỷ giá sẽ giảm nhẹ, tuy nhiên do tỷ giá tăng nên giá cơ sở của xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu diesel đã tăng.
Trong văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ngày 28/10, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Trên cơ sở báo cáo kiểm toán chi phí, Cục Quản lý giá đã kiểm tra, rà soát và điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức từ ngày 11/7/2022. Tuy nhiên, chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở hiện nay đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân của toàn tập đoàn năm 2021 đã được kiểm toán từ 184-598 đồng/lít, tương ứng 13-39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và 33 đồng/lít tương ứng 6% đối với giá bán buôn mặt hàng mazut.
Theo Petrolimex, ảnh hưởng của địa chính trị đã đẩy chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng tăng cao bất thường so với định mức hiện hành của Nhà nước áp dụng tính toán trong giá cơ sở, vì vậy Petrolimex đề nghị Cục Quản lý giá xem xét điều chỉnh và phản ánh kịp thời tại chu kỳ điều hành giá gần nhất.