Giải mã nguyên nhân vì sao bong bóng đang xuất hiện ở mọi ngóc ngách của thị trường tài chính

Trên thị trường tràn ngập những nhà đầu tư ăn theo, dòng tiền mặt ồ ạt đổ vào các tài sản trên mọi lĩnh vực từ năng lượng mặt trời và điện toán đám mây đến những phương tiện đầu tư mới lạ như các công ty SPAC.
Nhìn vào thị trường tài chính những ngày này, có thể thấy dường như bong bóng tài sản đang nổi lên ở khắp mọi nơi. Ở Mỹ, những cái tên lớn trong đó có Tesla liên tục lập đỉnh, trong khi các chiến lược gia của Bank of America cảnh báo rằng bong bóng đang hình thành và thị trường sắp bước vào giai đoạn điều chỉnh.

Cùng lúc đó, đội quân các nhà đầu tư cá nhân đang ngày càng lớn mạnh, thách thức tính chính thống của phố Wall và biến những cổ phiếu vốn vô danh trước đây trở thành cơn sốt, điển hình như GameStop.

Trên thị trường tràn ngập những nhà đầu tư ăn theo, dòng tiền mặt ồ ạt đổ vào các tài sản trên mọi lĩnh vực từ năng lượng mặt trời và điện toán đám mây đến những phương tiện đầu tư mới lạ như các công ty SPAC. Và tất nhiên, không thể bỏ qua Bitcoin – bong bóng được tất cả mọi người yêu thích năm 2017 đã quay trở lại và lập đỉnh mới vào đầu năm 2021 sau khi tăng giá gấp 4 lần trong năm ngoái.

Có những con số cụ thể chứng minh cho mức độ khổng lồ của bong bóng: cổ phiếu GameStop đã tăng 8.000% chỉ trong 12 tháng, chỉ số S&P đã tăng 70% so với mức đáy lập từ tháng 3 năm ngoái. Và 1.800 tỷ USD là số tiền mà 500 người giàu nhất thế giới đã thêm vào khối tài sản của họ trong năm ngoái.

Điều gì đã tạo nên cơn sốt đầu cơ này? Đó là đại dịch. Các nhà hoạch định chính sách đã bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích, hỗ trợ nền kinh tế chống lại những tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên số tiền đó hóa ra lại giúp thổi lên những quả bong bóng tài sản. Riêng các chính phủ đã chi ra khoảng 12.000 tỷ USD thông qua các gói kích thích tài khóa, trong khi Cục dự trữ liên bang Fed vẫn đang mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng để giữ cho chi phí đi vay ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới ở mức thấp.

Cơn sốt này có ý nghĩa gì? Trong bối cảnh lợi suất của cả những khoản nợ rủi ro nhất cũng đang ở mức thấp hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư nhanh chóng đuổi theo mọi cơn sốt hòng tìm kiếm món hời tiếp theo. Không ai biết chắc chắn khi nào những quả bong bóng này sẽ nổ, nhưng những lời cảnh báo đang ngày càng lớn hơn.

Lịch sử cho thấy bong bóng sẽ gây ra những thiệt hại lớn như thế nào khi chúng vỡ tung. Từ những bong bóng tài chính sơ khai như bong bóng hoa tulip của thế kỷ 17 cho đến những ví dụ gần đây như bong bóng dot-com năm 2001 hay thảm họa nợ dưới chuẩn đã tạo ra khủng hoảng tài chính 2008, đến tận ngày nay chúng ta vẫn còn cảm nhận được các hệ lụy.

Thời điểm này, thế giới đang xoay quanh niềm hi vọng vaccine sẽ đưa thế giới quay trở lại quỹ đạo bình thường. Tuy nhiên, bất kỳ va vấp nào cũng có thể khiến nhà đầu tư đổ xô bán tháo, thứ khiến niềm tin càng suy sụp trên diện rộng. Nếu thị trường tài chính sụp đổ và suy thoái kinh tế đến cùng 1 lúc đúng thời điểm thế giới đang chịu trận trước Covid-19 như hiện nay, thế giới sẽ mất nhiều năm mới có thể hồi phục.

Kể cả khi kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh mẽ, đó cũng sẽ là 1 thách thức vì các tài sản, trong đó có cổ phiếu hiện đang rất đắt đỏ. Các NHTW và chính phủ các nước có thể bắt đầu rút lại gói kích thích để kiểm soát rủi ro nợ và lạm phát gia tăng nhưng điều này sẽ khiến các nhà đầu tư vốn đã quen với nới lỏng chính sách tiền tệ rơi vào hoảng loạn.

Dẫu vậy, chí ít thì ở thời điểm hiện tại, tâm lý hưng phấn vẫn đang bao trùm thị trường.

Tham khảo Bloomberg