Giới tài phiệt Nga 'giấu' tiền ở đâu?

Phân tích cho thấy khoảng 60% tài sản của giới tài phiệt Nga cùng gia đình - tương đương khoảng 1.000 tỷ USD - đang ở nước ngoài.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, một số nước phương Tây bắt đầu trừng phạt những người giàu nhất đất nước.

Từ quan chức chính phủ, CEO truyền thông đến ông trùm kinh doanh, bộ phận nhỏ người vừa có quyền vừa có tiền trên đất Nga đang phải đối mặt với sự giám sát và trừng phạt. Chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới đang công bố kế hoạch cố gắng đóng băng tài sản của họ.

Nhưng giám sát tài sản của tầng lớp tinh hoa này ở Nga không phải điều đơn giản. Tài sản của họ gắn liền với các doanh nghiệp lớn, các tổ chức và bất động sản nằm rải rác trên toàn cầu. Thậm chí, hạch toán đầy đủ các khoản đầu tư nước ngoài của giới tài phiệt Nga cũng là việc vô cùng khó khăn.

NBC News đã trích dẫn một vài phân tích để có cái nhìn tổng quan nhất về nơi “chứa” tài sản của giới tài phiệt Nga.

Thương vụ kinh doanh ngầm

Hội đồng Đại Tây Dương ước tính 1.000 tỷ USD “tiền ngầm” (dark money) được cất giấu trong các quốc gia và doanh nghiệp trên toàn cầu. Theo từ điển Cambridge, “dark money” là thuật ngữ để chỉ tiền từ những người hoặc tổ chức không được biết tới hoặc tiết lộ tên, có thể liên quan tới các hoạt động bất hợp pháp.

Trong khi đó, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia ước tính 60% tài sản của các hộ gia đình giàu nhất nước Nga nằm bên ngoài biên giới đất nước.

Các số liệu trên đều là ước tính vì rất khó thu thập con số chính xác. Tiền của các nhà tài phiệt Nga được đầu tư theo nhiều cách khác nhau, với số tiền nhiều tới đáng kinh ngạc. Nhìn lại vài thập niên qua, có thể thấy họ đã đầu tư vào hàng loạt các lĩnh vực, từ thể thao, du lịch cho tới công nghệ.

Người giàu nhất nước Nga Alexei Mordashov sở hữu 1/3 công ty điều hành tour du lịch lớn nhất châu Âu và là cổ đông lẻ lớn nhất của TUI. Ảnh: Profimedia.cz.

Tỷ phú người Nga Roman Abramovich mua câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Giải Ngoại hạng Anh vào năm 2003 với giá khoảng 90 triệu USD. Câu lạc bộ hiện có giá trị hàng tỷ USD. Vào tuần trước, chính phủ Anh đã đóng băng tài sản của ông Abramovich.

Tài phiệt Nga cũng có các khoản đầu tư ở Mỹ. Doanh nhân Oleg Deripaska cam kết hỗ trợ 200 triệu USD để xây dựng nhà máy nhôm ở Kentucky vào năm 2019 trước khi tạm ngừng đầu tư vào năm ngoái.

Trong khi đó, vào năm 2016, Mikhail Fridman - tỷ phú đồng sáng lập tập đoàn đa quốc gia Alfa-Group - đã chi 200 triệu USD vào công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị nhất thế giới, Uber. Tuy nhiên, ông đã bán cổ phiếu vào năm 2019.

Đó chỉ là vài thương vụ đầu tư nổi tiếng mà công chúng biết đến. NBC News khẳng định các tỷ phú Nga còn những khoản kinh doanh âm thầm khác mà không thể giám sát được.

Đầu tư bất động sản

Ngoài kinh doanh, giới tài phiệt Nga còn có các tài sản bất động sản trên khắp thế giới. Nhưng tài sản họ sở hữu không chỉ là để dùng mỗi khi đi du lịch, mà chúng còn là khoản đầu tư.

Một bài báo trên Forbes tháng này chỉ ra 62 bất động sản của 13 nhà tài phiệt Nga trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.

Ông Abramovich có tài sản ở Aspen (Colorado), Pháp, St. Barts (Caribe) và Vương quốc Anh trị giá khoảng 620 triệu USD.

Tỷ phú công nghiệp Andrey Melnichenko có tài sản ở New York, Pháp, Italy, Monaco, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh trị giá 400 triệu USD. Tỷ phú dầu mỏ Alisher Usmanov có tài sản 250 triệu USD ở Anh, Đức, Thụy Sĩ, Monaco và Italy.

Trên thực tế, các khoản đầu tư vào bất động sản của tỷ phú Nga khổng lồ đến mức cố gắng tìm ra tất cả là điều gần như không thể. Họ có ít nhất một tài sản ở nhiều thành phố của Mỹ, như Miami, Los Angeles, Cleveland và Washington.

Ông Abramovich đã mua bốn căn nhà phố liền kề ở khu dân cư giàu có Upper East Side tại Manhattan, thành phố New York. Ảnh: Reuters.

Với tất cả số tiền và những khoản chi tiêu đó, các nhà tài phiệt Nga đã kết nối với một số tổ chức nổi tiếng và quyền lực ở Mỹ. Trong một báo cáo, Tổ chức Dữ liệu Chống Tham nhũng của Mỹ đã xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà tài phiệt và số tiền họ chi cho các tổ chức.

Ví dụ, Viện Công nghệ Massachusetts đã nhận được ít nhất 900.000 USD tiền quyên góp từ các nhà tài phiệt Nga. Đại học New York đã nhận hơn 4 triệu USD, trong khi đó Đại học Brandeis nhận hơn 10 triệu USD. Tại Washington, tỷ phú Nga tặng Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật John F. Kennedy hơn 5 triệu USD.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa là gì cả, theo David Szakonyi - một trong những người đồng sáng lập của Tổ chức Dữ liệu Chống Tham nhũng. Nhóm biết về số lượng tặng và quyên góp, nhưng không có cách nào để biết họ đã đưa ra bao nhiêu.

Và khi sự giàu có của họ ngày càng tăng, việc giám sát càng trở nên khó khăn hơn. NBC News cho rằng có thể phương Tây mong muốn trừng phạt mạnh mẽ tới các tỷ phú thân với Tổng thống Putin, tuy nhiên để thực hiện mong muốn này thì không dễ dàng chút nào.