​Gói hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, mới giải ngân được hơn 0,3%

Quốc hội quyết nghị sử dụng tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đến hết năm 2022, gói này giải ngân mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương hơn 0,3% tổng nguồn lực.

chinh-sach-ho-tro-2-lai-suat-moi-dat-hon-134-ty-dong-trong-tong-nguon-luc-40-nghin-ty-dong-1675914698.jpegChính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng trong tổng nguồn lực 40 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo báo cáo gửi, các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế- xã hội đã được giải ngân ước đạt hơn 80,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có một số chính sách đạt kết quả giải ngân cao, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Một số chính sách có kết quả thực hiện hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra, thậm chí “rất chậm” như chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình thông qua ngân hàng thương mại.

Tại Nghị quyết 43/2022, Quốc hội quyết nghị sử dụng tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm). Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương hơn 0,3% tổng nguồn lực.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi Nghị định số 31 của Chính phủ để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn.  

Dù vậy, “nguồn lực còn lại để thực hiện chính sách còn rất lớn, khả năng đến hết năm 2023 sẽ không giải ngân hết” - theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vấn đề nữa, việc phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc chương trình cũng chậm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện còn 14.151 tỷ đồng chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Thủ tướng giao kế hoạch.

Cụ thể gồm: 9.605 tỷ đồng của các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; 1.214 tỷ đồng của các dự án đã được Thủ tướng thông báo dự kiến vốn nhưng các địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và 3.332 tỷ đồng chưa được Thủ tướng Chính phủ thông báo.

Trong khi, tại Nghị quyết 69 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, sang ngày 31/3/2023, số vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình còn lại chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến “sẽ không thực hiện phân bổ tiếp”.

Trước tình hình thời gian thực hiện chương trình không nhiều (chỉ đến hết năm 2023), Chính phủ đã yêu cầu tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại.

Các bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không được phân bổ do không đáp ứng đúng thời hạn quy định.

Còn hơn 2.800 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động không sử dụng

Tại Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 521, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo báo cáo, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động hiện đã giải ngân đạt khoảng 3.744 tỷ đồng. Đến nay đã hết thời hạn thực hiện chính sách, nghĩa là, còn 2.856 tỷ đồng không sử dụng.

Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan đề xuất phương án xử lý nguồn kinh phí còn lại này; báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2/2023.