Hàng chục năm nay hơn 100 hộ dân thuộc tổ 13 (phường Trung tự, quận Đống Đa, Hà Nội) không thể làm được sổ đỏ trên mảnh đất của mình sinh sống mà không hiểu lý do.
Hơn nữa, gần đây họ tiếp tục lo lắng vì toàn bộ khu đất này “rơi” vào quy hoạch 1/500 của Trường Đại học Y Hà Nội.
Không đồng tình với quy hoạch
Khi chúng tôi đến Tổ dân phố 13, rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi nhận được thông báo của UBND phường Trung Tự về việc lấy ý kiến dân cư liên quan đến Quy hoạch tỷ lê 1/500 của Trường Đại học Y Hà Nội. Người dân cho rằng, nơi họ sinh sống 3 đời nay thuộc ngõ hồ Hố Mẻ, hoàn toàn riêng biệt với Trường Đại học Y (địa chỉ số 1 Tôn Thất Tùng).
Hàng trăm hộ dân thuộc Tổ 13 có nguy cơ rơi vào quy hoạch 1/500 của Trường Đại học Y Hà Nội.
Vào tháng 4/2021, Trường Đại học Y có gửi một văn bản tới Sở Quy hoạch Hà Nội với nội dung:…Quá trình hoạt động và phát triển, cơ sở hạ tầng của trường chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao về đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hành khám chữa bệnh,. Quy mô đào tạo của trường từ 4.100 sinh viên giờ nâng lên 10.000 sinh viên và cần môi trường học thuật sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Đại diện của các hộ dân tại Tổ 13 cho rằng, việc nhà trường lập quy hoạch để phát triển là điều rất bình thường. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch lại đưa diện tích đất của Tổ 13 vào diện tích quản lý của trường, thuộc các khu đất kí hiệu: BS.01, BS.03, DTHT-05C là điều vô lý.
Ông Lương Văn Vinh (số nhà 82, tổ 13) cho hay, sau khi bà con xem kỹ bản vẽ và tuyết minh quy hoạch 1/500 của nhà trường, chúng tôi thấy có nhiều điểm bất thường. “Họ đã vẽ ra chỉ giới đường đỏ quy hoạch chiếm diện tích toàn bộ khu đất của khu dân cư tập thể thuộc Công ty Cung Ứng vật tư vận tải (nay đổi tên thành Công ty Kinh doanh vật tư và xây dựng Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội) trực thuộc tổ 13. Về việc này, các hộ dân chúng tôi rất bất bình, phản đối việc làm trên”, ông Vinh nói thêm.
Qua tìm hiểu, Tổ 13 tiền thân là các Tổ dân phố 62, 21 và 97 thuộc Tập thể Công ty Cung ứng vật tư vận tải, đơn vị chủ quản là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Sau này, hai Tổ dân phố số 44 và 52 đổi tên và sáp nhập vào để hình thành nên Tổ dân phố 13 như bây giờ. Các hộ dân về đây từ những năm 1976, 1984, 1991… đa số đều là người lao động của Công ty Cung ứng vật tư vận tải. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Minh (72 tuổi, người dân tổ 13) cho biết: "Tôi ở đây từ năm 1976, các hộ đều có Quyết định phân nhà từ những năm 1980, có đóng thuế đất cho Nhà nước từ năm 1999. Hơn nữa tất cả người dân ở tổ 13 đều được cấp hộ khẩu thường trú và được các cấp chính quyền phường Trung Tự ủng hộ cho phép xây dựng nhà kiên cố cao tầng, có số nhà từng hộ riêng biệt. Đặc biệt chúng tôi có đường đi riêng, có hàng rào ngăn cách riêng biệt với Trường Đại học Y Hà Nội. Vậy tại sao chúng tôi lại không thể làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Lý do mà UBND phường đưa ra là đất chúng tôi đang ở liên quan đến Đại học Y Hà Nội”.
|
Tổ 13 tiền thân là các Tổ dân phố 62, 21 và 97 thuộc Tập thể Công ty Cung ứng vật tư vận tải, đơn vị chủ quản là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. |
Người dân không đồng ý là có căn cứ
Qua tìm hiểu của phóng viên, trong văn bản phục vụ công tác quy hoạch của Trường Đại học Y có nêu rõ, Khu dân cư phía Nam khu đất (tiếp giáp với hồ Hố Mẻ và khu không quân) được hình thành từ các lán trại cho công nhân của các công ty xây dựng trong quá trình thi công công trình của trường từ những năm 1961 đến 1984.
Sau khi công ty xây dựng các công trình xong, tiếp tục sử dụng và quản lý các khu lán trại. Trải qua các thời kỳ, đến nay các hộ dân tại khu vực này đã xây dựng các công trình nhà ở kiên cố bằng khung bê tông cốt thép, cao từ 1 đến 5 tầng. Khu đất nằm ngoài hàng rào của trường và có lối đi riêng từ đường Tôn Thất Tùng.
|
Ông Vinh và ông Minh bức xúc trước văn bản lấy ý kiến về quy hoạch 1/500 của Trường Đại học Y Hà Nội. |
Ngược lại, tài liệu mà người dân cung cấp cho chúng tôi lại đi ngược với văn bản trên, cụ thể: Ngày 15/4/1996, Giám đốc Công ty Kinh doanh vật tư và Xây dựng có Báo cáo số 154/CT về: “Khu đất (Tổ dân phố 63 Trung Tự) cạnh Trường Đại học Y khoa thuộc Bộ Y tế) gửi tới Chánh thanh tra - Sở Địa chính Hà Nội”.
Nội dung báo cáo thể hiện quá trình: “phục vụ công tác cung ứng vật tư và cấu kiện bê tông đúc sẵn cho các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Năm 1973, Công ty xây dựng khu Nam Hà Nội thành lập Xí nghiệp Cung ứng vận tải và Sản xuất cấu kiện bê tông nay đã chuyển giao sáp nhập vào Công ty kinh doanh vật tư và xây dựng thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, đặt trụ sở cạnh trường Đại học Y khoa Hà Nội. Lúc đầu có mượn một phần đất đai, nhà cửa thuộc trường quản lý, đến năm 1984 chúng tôi đã giao trả nhà trường đầy đủ số diện tích trường cho chúng tôi mượn…
… Đến năm 1989, chúng tôi đã hoàn trả nhà trường toàn bộ nhà và diện tích quy hoạch của trường cho chúng tôi mượn. Số diện tích còn lại trên khu vực này, bao gồm: Khu ở nhà tập thể CNVC (nhà cấp 4); sân bãi đậu xe; kho nhiên liệu (đã đào hết téc chứa), sân sản xuất bê tông... gần 2ha đất thuộc quyền sử dụng của Xí nghiệp cung ứng vận tải, nay là “Công ty kinh doanh vật tư và xây dựng” nằm ngoài quy hoạch của Trường Đại học Y khoa…”.
Hơn nữa, ngày 26/10/2021, trong một văn bản được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội gửi tới Trường Đại học Y Hà Nội thể hiện tổng diện tích đất của nhà trường khoảng 10,7ha: “Khu đất nêu trên (khu đất 10,7ha- PV) có vị trí phía Tây giáp phố Tôn Thất Tùng, phía Bắc giáp Khu tập thể Khương Thượng, phía Đông Bắc giáp đường ven sông Lừ, phía Nam giáp hồ Hố Mẻ và một số cơ quan, đơn vị”.
|
Biên lai thu thuế nhà đất của ông Bùi Thiện Căn. |
Văn bản của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho thấy, các khu đất nói trên chỉ tiếp giáp chứ không nằm trong khuôn viên 10,7ha của Trường Đại học Y Hà Nội. Vì vậy, kiến nghị của các hộ dân Tổ dân phố số 13 không đưa nơi họ ở vào đất do trường quản lý hoàn toàn có căn cứ.
Có thể thấy, việc người dân Tổ dân phố 13 phản ứng trước quy hoạch 1/500 của Đại học Y Hà Nội là hoàn toàn có cơ sở. Bởi khu đất của họ danh chính ngôn thuận được Công ty chủ quan giao và có quyết định đầy đủ. Hơn nữa, cuộc sống của người dân ở đây đã đi vào ổn định, đóng thuế nhà đất đầy đủ, được cấp hộ khẩu thường trú tại đây. Việc Trường Đại học Y mở rộng quy hoạch là toàn toàn hợp lý, nhưng phải điều hòa được lợi ích của người dân mới là vấn đề quan trọng.
Được biết ngày 30/9/2022, Trường Đại học Y Hà Nội đã có buổi tiếp xúc, nghe ý kiến của bà con tổ dân phố 13. Theo đó, đại diện lãnh đạo Trường Đại học y Hà Nội đã có buổi đối thoại, lắng nghe và lập biên bản đầy đủ ý kiến đại diện hơn 100 hộ dân. Trường Đại học Y Hà Nội đã đề nghị đại diện các hộ dân cung cấp hồ sơ pháp lý và gửi hồ sơ, tài liệu liên quan đất đai, xây dựng thuộc quyền sở hữu của các hộ dân theo Đơn kiến nghị về phòng Quản trị và Vật tư Trang thiết bị Trường Đại học Y Hà Nội.
|
Quyết định giao nhà của Công ty Cung ứng vật tư vận tải cho ông Bùi Thiện Căn. |
Ông Đặng Minh Chính, Phó chủ tịch UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khi phường nhận được kiến nghị của người dân lãnh đạo phường cũng đã đối thoại và giải thích cho người dân hiểu. Đất này thuộc thẩm quyền quản lý của Trường Đại học Y được sắp xếp lại theo quyết định 09 của Thủ tướng từ năm 2015.
Ngược lại, Phường cũng có mong muốn là Trường Đại học Y có sử dụng hay không sử dụng thì cũng nên có báo cáo để người dân được biết. Mới đây Trường Đại học Y cũng đã kết hợp với Phường Trung Tự lấy ý kiến về cộng đồng dân cư về Dự thảo nhiệm vụ quy hoạch.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.