Hà Nội: Vì sao vi phạm đất đai, xây dựng kéo dài?

Thời gian qua, tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng kéo dài trên địa bàn Hà Nội chưa xử lý dứt điểm và phát sinh mới với diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành như Thanh Trì, Thường Tín, Sóc Sơn...

Đường mới chưa xong, nguy cơ xây dựng nhà trái phép đã nảy sinh

Vấn đề quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua luôn là chủ đề nóng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Người dân trên địa bàn TP. Hà Nội phản ánh nhiều về tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện vùng ven đô. Có những vi phạm kéo dài qua các thời kỳ và đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí còn phình to hơn. Cũng có trường hợp chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, khiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị chuyển đổi, xây dựng trái phép và sử dụng sai mục đích.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố.

"UBND TP. Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục ngay đối với từng tồn tại, vi phạm về PCCC. Đồng thời, chỉ đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các công trình sai phạm trong đầu tư xây dựng, ngăn chặn kịp thời không để phát sinh mới công trình vi phạm", nội dung Chỉ thị 14 nêu rõ.

ha-noi-1668157048.jpgViệc mở rộng Quốc lộ 1A qua Thanh Trì chắc chắn sẽ làm cho bộ mặt đô thị khang trang hơn, nhưng đối mặt nguy cơ đi vào "vết xe đổ" các quận nội thành khi xuất hiện loạt nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, nhiều trường hợp vi phạm mới về đất đai, xây dựng phát sinh, điều này đặt ra dấu hỏi vì việc các địa phương chấp hành theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố. Khảo sát qua địa bàn một số quận, huyện thành phố, không khó để ghi nhận tình trạng này tái diễn và chưa được xử lý dứt điểm.

Đơn cử, hiện nay chính quyền huyện Thanh Trì đang tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn một số xã. Việc thi công tuyến đường trên sau khi hoàn thiện chắc chắn sẽ làm cho bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp hơn. Thế nhưng, đối mặt với đó là nguy cơ những ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” mọc lên như đã từng xảy ra ở một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), Vành đai 2 (quận Hai Bà Trưng), Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy), Đào Tấn (quận Ba Đình)…

Khảo sát dọc tuyến đường Quốc lộ 1A đang mở rộng, nhiều công trình sau khi bị thu hồi GPMB còn lại diện tích chỉ hơn chục mét vuông, với nhiều kiểu kiến trúc. Nhiều công trình có dấu hiệu xây dựng kiên cố trên phần diện tích đất chỉ hơn chục mét vuông. Theo phản ánh, các hộ dân này đã lợi dụng việc bị thu hồi đất, xin cải tạo sửa chữa và biến tướng xây dựng nhà bê tông cốt thép kiên cố, nguy cơ xuất hiện nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”.

Theo tìm hiểu, các hộ dân dọc phía Đông đường Quốc lộ 1A nằm ngoài chỉ giới đỏ của tuyến đường này trên địa bàn như xã Liên Ninh đều không được xây dựng. Thế nhưng, thực tế người dân vẫn có hoạt động xây dựng giữa ban ngày nhưng không bị chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý. Đáng nói, khu vực này các hộ dân hầu hết chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dựng đất ở.

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) cho biết, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A đã hoàn thành cơ bản. Đa số các chủ công trình tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, có hộ dân đã nộp đơn xin cải tạo, sửa chữa và chỉnh trang lại phần công trình còn lại có trường hợp dưới 20m2 (như trường hợp gia đình bà Thúy diện tích đất còn lại chỉ 19,1m2). Theo lãnh đạo xã Liên Ninh, đơn vị này vẫn kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm xây dựng đất đai trên địa bàn. Trái ngược với lời khẳng định của chính quyền xã, theo khảo sát thì nhiều hạng mục xây dựng kiên cố bê tông cốt thép đã được thi công nhiều ngày qua.

duong-mo-rong-quoc-lo-1a-doan-qua-xa-lien-ninh-huyen-thanh-tri-1668157106.jpg

Tuyến đường mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì có nguy cơ xuất hiện những công trình "siêu mỏng", "siêu méo" khi người dân có hiện tượng thi công công trình kiên cố trên diện tích đất dưới 20m2.

Trước việc có nguy cơ xuất hiện các công trình “siêu mỏng”, “siêu méo”, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sau khi GPMB, thi công mở rộng tuyến đường Quốc lộ 1A, đại diện Đội Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì cho biết đã kiểm tra, giám sát và ngăn chặn các hành vi có dấu hiệu thi công xây dựng công trình kiên cố sau khi GPMB thực hiện dự án. Có trường hợp bị yêu cầu dừng thi công để kiểm tra, xác minh như trường hợp nhà bà Thúy, ông Sơn...

Theo nhận định của một số luật sư và chuyên gia bất động sản, sở dĩ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” tại các thành phố lớn là bởi rất khó để hợp thửa, hợp khối các diện tích đất quá nhỏ còn lại sau GPMB. Không ít gia đình muốn giữ lại phần đất nhỏ sau khi bị cắt xén để kinh doanh, nhất là khi mảnh đất đó được ra mặt đường. Cũng có nhiều trường hợp không muốn hợp thửa, hợp khối vì không đủ điều kiện tài chính để mua lại mảnh đất còn lại của hộ liền kề do giá đất lúc đấy đã tăng cao. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vi phạm đất đai kéo dài, chính quyền bị động trong công tác xử lý?

Tại một số địa phương, ngoài việc vi phạm xây dựng thì tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng diễn ra, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để. Trái lại, nhiều công trình vi phạm còn có dấu hiệu phình to bất chấp các lực lượng chức năng cho rằng mình vẫn “thường xuyên kiểm tra”. Cũng có những địa phương chậm trễ trong việc thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm hoặc chờ các chủ công trình vi phạm “tự tháo dỡ”, trong khi có đầy đủ chế tài để cưỡng chế vi phạm.

Đơn cử, tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, trong khi nhiều công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng đã bị “điểm tên” trong kết luận thanh tra năm 2019 đến nay chưa được xử lý cưỡng chế, thì nhiều công trình mới được xây dựng thậm chí với quy mô hoành tráng hơn. Theo khảo sát, nhiều công trình xây dựng bê tông cốt thép kiên cố thậm chí có dấu hiệu lấn cả lòng hồ Đồng Đò đang mọc lên ồ ạt. Về việc này, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã và đang có nhiều chỉ đạo xử lý dứt điểm.

tinh-trang-vi-pham-dat-nong-nghiep-dat-rung-o-huyen-soc-son-1668157400.jpgTình trạng vi phạm đất nông nghiệp, đất rừng ở huyện Sóc Sơn vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vi phạm cũ chưa xử lý đã phát sinh vi phạm mới.

Hay như tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín có nhiều công trình vi phạm “mọc” lên trên đất nông nghiệp, đất công trong một thời gian dài nhưng không được xử lý triệt để. Theo ghi nhận, nhiều công trình có dấu hiệu thi công kiên cố, công trình tạm phục vụ mục đích kinh doanh mọc lên trên khuôn viên hàng nghìn mét vuông tại khu Cầu Dừa, xã Văn Bình. Hiện trường xuất hiện công trình có dấu hiệu mới thi công, chưa đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, vị trí khu vực các công trình vi phạm này tọa lạc ngay cạnh tuyến đường nối Quốc lộ 1A đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có mật độ phương tiện tham gia đông.

Lãnh đạo UBND xã Văn Bình cho biết, tại vị trí khu vực Cầu Dừa (gần siêu thị Long Bình) có nhiều công trình vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp (đất giao hộ gia đình và nhận chuyển nhượng). Tuy nhiên, theo lý giải của cán bộ xã Văn Bình, các công trình vi phạm này đã tồn tại từ giai đoạn trước chứ không có công trình mới.

Đại diện xã Văn Bình cũng cho biết, việc chủ sử dụng đất đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm và đã bị chính quyền xã lập biên bản, yêu cầu tự tháo dỡ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, yêu cầu gia đình tháo dỡ công trình vi phạm”, lãnh đạo xã Văn Bình khẳng định.

Mặc dù chính quyền xã đã yêu cầu chủ công trình tự tháo dỡ, nhưng trải qua một thời gian dài việc này vẫn “án binh bất động”. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không đưa ra biện pháp cưỡng chế tháo dỡ. 

thi-cong-cong-trinh-trai-phep-tai-xa-van-binh-huyen-thuong-tin-1668157490.jpg

Đất công, đất nông nghiệp cũng bị "băm nát" và thi công công trình trái phép tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Nội dung Chỉ thị 14 cũng đã chỉ ra, một trong những nguyên nhân tồn tại vấn đề vi phạm đó là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Thực tế cho thấy, trong việc xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn quận, huyện Hà Nội thời gian qua, nhiều vụ việc còn kéo dài, chưa dứt điểm nên không tạo được sức răn đe.

Theo các chuyên gia pháp lý, UBND Thành phố cần rà soát kỹ số vụ việc vi phạm, gắn trách nhiệm đối với từng cá nhân để xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó phát huy vai trò giám sát của người dân, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm ngay từ khi phát sinh để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra, có ý kiến chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm kéo dài và kịp thời ngăn chặn, triệt tiêu các vi phạm mới phát sinh về đất đai, xây dựng tại các quận huyện./.