Hà Tĩnh: Chủ doanh nghiệp khốn đốn vì trụ sở 20 tỷ đồng xây mãi không xong

Ngày khởi công, chủ đầu tư cùng cả trăm cán bộ nhân viên tin rằng công trình trụ sở có mức vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng sẽ được nhà thầu hoàn thành đúng tiến độ. Vậy nhưng, công trình xây dở chừng rồi đắp chiếu…

Dự án trụ sở làm việc của thủy lợi Nam Hà Tĩnh.

Chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh và quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu chính, đồng thời hoàn tất các thủ tục pháp lý để đấu thầu lần 2.

Thi công giữa chừng rồi bỏ hoang

Tháng 11/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh (viết tắt Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh). Mục tiêu dự án là nhằm đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, công nhân viên công ty.

Dự án tòa nhà 5 tầng này có diện tích 485m2, xây dựng tại xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển, do Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Qua đấu thầu, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VN11 (gọi tắt Công ty xây dựng VN11) trúng gói thầu 01.XL, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty cổ phẩn xây dựng ECON Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2019.

Quyết định chấm dứt hợp đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng VN11.

Theo tiến độ cuối năm 2019 công trình sẽ hoàn thành để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan đơn vị thi công đã không hoàn thành công trình theo đúng tiến độ nên chủ đầu tư đã gia hạn hợp đồng thêm 1 năm. Trong đó, lần gia hạn cuối đến 30/6/2020 công trình phải hoàn thành. Mặc dù đã gia hạn, song đến nay công trình vẫn đang trong tình trạng dang dở “bỏ hoang”.

Nghi nhận của PV Báo GD&TĐ, công trình mới thi công xong phần khung, tô trát, lợp mái, quyét sơn mặt trước tòa nhà. Trong khuôn viên công trình, một số hạng mục thi công dang dở, nguyên vật liệu nằm ngổn ngang, trơ trọi, nhếch nhác. Qua tìm hiểu, đơn vị thi công thực hiện đạt gần 60% khối lượng so với giá trị đã ký hợp đồng.

Điều đáng nói, Công ty VN 11 đã dừng thi công dự án thời gian dài và không hợp tác với đơn vị chủ đầu tư.

Ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, cho biết: Từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VN11 đã không thi công xây dựng. Chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản và giấy mời nhà thầu họp để giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình. Song Công ty xây dựng VN11vẫn không triển khai thực hiện thi công và cũng không có văn bản phúc đáp nào để đơn vị biết và xem xét xử lý.

Trước sự việc công trình chậm tiến độ, vi phạm các điều khoản của hợp đồng, gây thiệt hại về kinh tế do đội giá công trình, công nhân lao động bức xúc do chậm đưa vào sử dụng, Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét cho phép chấm dứt hợp đồng thi công đối với nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VN11.

Chọn nhầm nhà thầu?

Đến ngày 23/7/2020, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh có Quyết định số 528/QĐ-TLNHT về việc chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng trụ sở làm việc Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đối với Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VN1.

Quyết định ghi rõ việc chấm dứt hợp đồng với lý do: “Nhà thầu thi công đã không đáp ứng các điều khoản về thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng, dừng thi công thời gian dài trên 56 ngày liên tục, bỏ dở công trình, không đủ khả năng tiếp tục thực hiện hoàn thành công trình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, hiệu quả của gói thầu”.

Theo ông Trần Mạnh Cường, sau khi có quyết định chấm dứt hợp đồng, UBND tỉnh đã giao Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, nhà thầu thi công (Công ty cổ phẩn đầu tư xây dựng VN11), đơn vị tư vấn giám sát (Công ty cổ phẩn xây dựng ECON Việt Nam) chịu trách nhiệm tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ hoàn công, hồ sơ thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý như ông Cường cho biết, phần khối lượng còn lại chưa thực hiện sẽ xin UBND tỉnh cho chủ trương lập lại dự toán theo đơn giá và chế độ chính sách tại thời điểm hiện hành để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện. Như vậy dễ thấy, dự án sẽ đội vốn so với ban đầu, bởi chỉ tính riêng giá đầu vào vật liệu xây dựng, nhân công cũng đã tăng chóng mặt so với đơn giá thời điểm dự án được phê duyệt.

Việc chấm dứt hợp đồng đối với đơn vị thi công công trình tại dự án này khiến dự luận băn khoăn, đặt ra nhiều ghi vấn về năng lực nhà thầu trước khi được chủ đầu tư thẩm định. Ông Hồ Đức Việt, cán bộ Phòng quản lý khai thác (Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho hay: Dự án được tổ chức đấu thầu công khai, thời điểm đó có 3 nhà thầu nộp hồ sơ (gồm Công ty VN11; Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư xây dựng Mê Linh; Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Minh Phong).

Trụ sở làm việc thủy lợi Nam Hà Tĩnh hiện đang bị "bỏ hoang".

“Thời điểm đấu thầu, Công ty VN 11 có những lợi thế năng lực tốt hơn, biểu hiện qua những thông số như: Tính hợp lệ ở hồ sơ dự thầu; năng lực và kinh nghiệm; kỹ thuật và giá chào thầu. Doanh nghiệp này đủ các điều kiện trên, còn những công ty khác thì không đáp ứng các yêu cầu trong quá trình đấu thầu dự án” – ông Việt cho biết.

Như cách ông Việt trả lời, nếu nhà thầu đã đáp ứng đủ mọi điều kiện của chủ đầu tư đề ra, tại sao công trình chậm tiến độ, dự án dang dở? Lúc này, dư luận đặt ra yêu cầu, nếu dự án có tổ chức đấu thầu thì cần phải xem lại quy trình thẩm định năng lực, tiêu chí tuyển chọn nhà thầu thế nào, có gì bất cập dẫn đến việc tuyển phải một nhà thầu không đủ năng lực? Việc chậm trễ bàn giao công trình chỉ là hậu quả, điều cần phải chỉ ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm, bởi hệ lụy của việc đình chỉ dự án là quá lớn?

Đáng chú ý là một nguồn tin mà GD&TĐ có được, trong khi công trình thi công ì ạch, dở dang, nhưng nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VN1 đã được chủ đầu tư “ưu ái” cho ứng tiền vượt khối lượng lớn thi công thực tế. Sự việc đang được cơ quan chức trách của tỉnh Hà Tĩnh xác minh làm rõ.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc