Hà Tĩnh: Hàng loạt dự án “rùa bò”, có dễ thu hồi?

60 dự án "rùa bò", có những dự án đã treo hàng thập kỷ nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hồi dự theo các quy định của pháp luật.

Loạt dự án “ngủ quên” hàng chục năm

Thông tin từ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, số dự án “treo” từ năm 2019 đến tháng 6/2022 ở địa phương này là 60 dự án đã bị thu hồi hoặc nhà đầu tư tự xin chấm dứt hoạt động. Cụ thể từ năm 2019 đến 2021 là 50 dự án; dự án do uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp là 17; dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp là 15; dự án do uỷ ban nhân dân cấp huyện chấp thuận là 18 và 10 dự án còn lại thu hồi trong 6 tháng đầu năm 2022.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh đã lý giải nguyên nhân dẫn tới dự án chậm triển khai các dự án sử dụng đất trên địa bàn, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, tại phiên họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Cũng như các giải pháp mà uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư tập trung thực hiện như, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Thực hiện nghiêm khắc các chế tài, kỷ luật đối với các đơn vị, chủ đầu tư chậm tiến độ, vi phạm nhiều lần.

mot-du-an-cham-tien-do-hon-10-nam-tai-ha-tinh-1660274495.jpgMột dự án chậm tiến độ hơn 10 năm tại Hà Tĩnh.

Ông Trần Việt Hà đưa ra giải pháp cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Đồng thời, có phương án thu hồi, xử lý các dự án chậm triển khai…

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Sở sẽ tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án triển khai đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, có dấu hiệu sai phạm để kiến nghị tỉnh xem xét xử lý, thu hồi đất theo quy định. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tỉnh Hà Tĩnh thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý, thu hồi các dự án này, song đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho hay, mới đây tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát tổng thể hàng loạt dự án kinh tế, nhất là đối với dự án nông nghiệp, dự án dịch vụ - thương mại…ra quyết định thu hồi những dự án không khả thi. Các dự án bị thu hồi sẽ áp vào những yếu tố như: Dự án chậm tiến độ, vi phạm luật đầu tư, cam kết đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các nhà đầu tư tự xin rút lui khỏi dự án...

Một số dự án chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả như bị gọi tên như: Dự án xây dựng kho thương mại nông sản và cửa hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của Công ty TNHH Thực phẩm xanh Thành Đạt; Đầu tư xây dựng Kho đông lạnh, Nhà máy sản xuất đá lạnh và Cửa hàng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Thu; Dự án xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ trên đất cát bạc màu ven biển tại thị trấn Thiên Cầm của Hợp tác xã Dịch vụ dùng nước – Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thiên Cầm; nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu và dịch vụ hàng rau củ quả của HTX sản xuất, chế biến NLS xuất khẩu Thành Sen; Nhà máy bê tông khí chưng áp Phú An Sinh của Công ty CP Phú An Sinh…

Ngoài ra còn có loạt dự án như: Dự án Nhà máy sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ làm nguyên liệu giấy của Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Vũng Áng; Dự án Cửa hàng xăng dầu tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh; Đầu tư trang trại nuôi cá lóc thâm canh tại huyện Thạch Hà; Dự án Xây dựng hệ thống trạm trộn bê tông tại Cụm công nghiệp Phù Việt tại huyện Thạch Hà; Dự án Nhà máy may công nghiệp của Công ty cổ phần X19 Miền Trung; Dự án Kho xăng dầu Cửa Sót tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà…

Một số các dự án mà nhà đầu tư quyết định chấm dứt như: Cảng dầu khí và Tổng kho xăng dầu tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân của Công ty TNHH Hải Dương; Phát triển sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm và dịch vụ thương mại của Công ty Cổ phần Sa Lung; Nhà máy sản xuất gạch Ngọc Sơn của Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Lộc; Quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác bằng công nghệ lò đốt Losiho tại xã Xuân Hải và xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân của HTX Dịch vụ môi trường xã Xuân Yên...

Một số dự án do nhà đầu tư vi phạm quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư như: Dự án Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sơn Hồng của Công ty CP TMDV tổng hợp Sơn Hồng; Dự án Nhà máy chế biến Thạch anh của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; Dự án Nhà máy xỉ titan và hợp kim sắt Mitraco của Tổng công ty Khoáng sản và Thương Hà Tĩnh; Nhà máy sản xuất Vật liệu chịu lửa của Công ty TNHH Vật liệu chịu lửa Đại Đỉnh…

Cơ quan quản lý cần cương quyết

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn các vướng mắc trong thu hồi các dự án chậm triển khai có một phần chồng chéo của các quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đã đề ra. Theo Luật Đất đai 2003, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gia hạn. Đến Luật Đất đai 2013, các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Thế nhưng, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Mâu thuẫn trong các quy định pháp luật làm khó cho việc xử lý các dự án chậm triển khai này.

cac-du-an-cham-tien-do-lang-phi-tai-nguyen-dat-mat-my-quan-do-thi-1660274529.jpgCác dự án chậm tiến độ lãng phí tài nguyên đất, mất mỹ quan đô thị...

Theo Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, "treo" nhiều năm liền không thể triển khai nguyên nhân phần nhiều là bởi kinh tế khủng hoảng, thị trường đầu ra của nông nghiệp bị hạn chế, tính toán đầu tư không có lãi… Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại cho rằng, những lý do trên chỉ là thứ yếu, còn thực chất nằm ở năng lực còn hạn chế hoặc mục đích lập dự án để giữ đất. Bởi thực tế, một số dự án được cấp phép nhiều năm nhưng không triển khai, hoặc triển khai chiếu lệ, để rồi đến kỳ kiểm tra lại thì xin được gia hạn.

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho hay, đối với các dự án vượt quá 24 tháng kể từ khi giao đất mà doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng sẽ xem xét gia hạn. Nếu hết thời gian được gia hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc không triển khai thì sẽ kiến nghị thu hồi và khi thu hồi sẽ không bồi thường về đất và tài sản trên đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Hàng trăm dự án đã được các đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị, đề xuất thu hồi và hủy bỏ là rất lớn nhưng trên thực tế trong 3 năm mới chỉ thu hồi 60 dự án (trong đó bao gồm các dự án do nhà đầu tư tự xin chấm dứt hoạt động).

Giải thích cho việc đề xuất thu hồi hàng trăm dự án nhưng thực thi pháp luật thu hồi ít, Vị này cho hay, "Với những dự án chưa đầu tư, việc thu hồi không đáng ngại nhưng với các dự án đã đầu tư dang dở, nhất là dự án có số vốn lớn, việc thu hồi không dễ bởi sau thu hồi là hàng loạt vấn đề cần giải quyết, đặc biệt về pháp lý".

 

Tính đến ngày 15/6/2022, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 10 dự án, trong đó có 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD. Kêu gọi một số nhà đầu tư lớn vào khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Vingroup đề xuất dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, khảo sát đầu tư dự án Khu đô thị Vinhomes Kỳ Anh tại phường Kỳ Trinh; Công ty cổ phần Crystal Bay đề xuất dự án Công viên Trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại thành phố Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án đô thị sinh thái và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí; Tập đoàn Quế Lâm nghiên cứu, hợp tác đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ.