Hôm 11-7, Nhà Trắng nói rằng Iran dự định cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái (UAV), gồm cả những loại mang được vũ khí để sử dụng tại Ukraine.
Thiếu tướng Mohammad Hossein Bagheri, Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Iran tham quan phòng trưng bày UAV trước một cuộc tập trận ngày 5-1-2021. Ảnh: Iranian army/AP
Trước tuyên bố này từ Nhà Trắng, phía Nga thông báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tuần tới.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Tổng thống Putin sẽ không thảo luận việc mua UAV trong chuyến thăm Iran vào ngày 19-7.
Mặc dù chưa rõ liệu Iran đã cung cấp cho Nga bất kỳ loại UAV nào hay chưa, nhưng theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Jake Sullivan, Iran được cho đang lên kế hoạch huấn luyện lực lượng Nga vận hành UAV vào đầu tháng tới.
Sức mạnh máy bay không người lái của Iran
Theo trang The EurAsian Times, cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq vào giữa thập niên 80 là lúc Iran bắt đầu quan tâm tới UAV và phương tiện không người lái. Iran đã dẫn đầu ngành công nghiệm UAV trong nhiều năm, mặc dù chương trình hạt nhân của nước này mới là chủ đề thu hút dư luận quốc tế nhiều hơn.
Kinh nghiệm sử dụng UAV của Iran được tích lũy đáng kể trong những năm gần đây. Iran hiện giờ đảm nhiệm một vai trò lớn hơn với tư cách là một siêu cường về máy bay không người lái đang lên trong khu vực, khi công nghệ UAV của họ được sử dụng tại Dải Gaza, Yemen, Lebanon, Syria và Iraq, theo nhà phân tích Seth J Frantzman thuộc Hội đồng Đại Tây Dương.
UAV Mohajer-6. Ảnh: TWITTER
Hầu hết UAV được sử dụng để chống lại lực lượng Saudi Arabia hay lực lượng Mỹ tại các điểm nóng như Yemen và Syria là những UAV cảm tử. Các UAV này được trang bị chất nổ và bay với tọa độ được lập trình sẵn để tấn công mục tiêu.
Iran có nhiều loại UAV khác nhau, từ hệ thống tầm ngắn hạng nhẹ cỡ nhỏ đến hệ thống tầm trung cho tới các loại UAV sử dụng cho mục đích tình báo, trinh sát và giám sát.
Người ta tin rằng một số phi đội UAV hiện tại ở Iran được sản xuất tại Mỹ. Một số linh kiện có thể được mua lén lút hoặc tại chợ đen. Iran đã bắn hạ một vài UAV của Mỹ. Tuy nhiên, do bị cô lập kinh tế, một phần lớn UAV của Iran được phát triển dựa vào công nghệ trong nước.
Bất chấp ngân sách chi tiêu cho quốc phòng hàng năm thường từ 15 tỉ USD đến 20 tỉ USD và hứng lệnh trừng phạt, Iran sở hữu nhiều UAV vũ trang hơn so với nhiều quốc gia chi gấp đôi cho quốc phòng.
Nói đến UAV chiến đấu hàng đầu có trong kho vũ khí của Iran đầu tiên phải kể đến dòng Mohajer, với Mohajer-6 là biến thể mới nhất.
UAV Mohajer-6 có thể bay cao tới 5,5 km, cao hơn nhiều hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm hoạt động tối đa 200 km và có thể hoạt động liên tục trong 12 giờ.
UAV Shahed 129. Ảnh: WIKIPEDIA
Một loại UAV chiến đấu uy lực khác có trong kho vũ khí của Iran là Shahed 129. Đây được coi sánh ngang với UAV chiến đấu Hermes 450 của Israel. UAV Shahed 129 sử dụng động cơ Rotax 914 do Áo sản xuất, cùng loại động cơ sử dụng trên UAV MQ-1 Predator của Mỹ.
UAV Shahed 129 đã tham gia nhiều cuộc chiến, từng được bố trí tại các căn cứ không quân của Syria kể từ năm 2014 nhằm theo dõi và tấn công lực lượng nổi dậy chống chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Một UAV không hề kém cạnh khác của Iran là Karrar. UAV Karrar có thể được sử dụng như một vũ khí cảm tử, nhưng chủ yếu được sử dụng làm UAV mục tiêu, được sửa đổi để mang bom thông dụng Mark 82 nặng 226 kg, hai quả bom Mark 81 nặng 113 kg hoặc hai tên lửa diệt hạm Kowsar hoặc Nasr-1. UAV Karrar có tốc độ tối đa 901 km/giờ nhờ công nghệ từ UAV mục tiêu Denel Skua của Nam Phi.
Tháng 12-2011, UAV tàng hình RQ-170 của Mỹ được cho đã rơi tại Iran do chiến tranh mạng của Iran nhưng không hư hại gì. Các kỹ sư của Iran sau đó đã nỗ lực thiết kế ngược lại mẫu RQ-170, đến năm 2014 thì tạo ra một UAV tương tự có tên là Shahed 171 Simorgh.
Theo trang Iran Press, tầm hoạt động của UAV này là 4400 km. Shahed 171 Simorgh sử dụng động cơ phản lực cánh quạt và với nhiệm vụ trinh sát và giám sát thì Shahed 171 Simorgh có thể đạt độ cao 11 km và bay liên tục trong 10 giờ. Trọng lượng cất cánh tối đa của UAV Shahed 171 Simorgh là 3.070 kg và tốc độ là 460 km/giờ.
UAV chiến đấu tầm xa Fotros, được cho là UAV lớn nhất của Iran, có tầm hoạt động 1.931 km, có thể hoạt động liên tục trong 30 giờ và đạt độ cao tối đa gần 8 km, có thể mang sáu quả bom lượn chính xác Qaem-1.
UAV Kaman-22 của Iran. Ảnh: TWITTER
Tháng 2-2021, Không quân Iran trình làng một loại UAV tầm xa mới, đặc biệt giống với UAV chiến đấu MQ-9 Reaper của Mỹ, có tên Kaman-22. Theo các báo cáo, Kaman-22 có tầm hoạt động 2.993 km, có thể bay liên tục hơn 24 giờ, có thể mang sáu loại vũ khí trên các giá treo vũ khí dưới cánh nặng 300 kg.
Tuy nhiên, Mỹ không tiết lộ loại UAV hiện đại nào trong số những loại trên mà Iran đang cung cấp cho Nga.
UAV của Iran giúp ích gì cho Nga trong xung đột với Ukraine?
Theo tờ The Washington Post, mặc dù Nga có riêng kho vũ khí UAV phong phú nhưng việc Iran cung cấp UAV cho nước này có thể giúp Moscow bổ sung một hệ thống vũ khí quan trọng đã bị tổn thất nặng trong 4 tháng xung đột qua.
UAV trinh sát đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công lực lượng đối phương bằng pháo binh, và UAV được vũ khí hóa có thể bay lượn nhiều giờ trên chiến trường, phóng tên lửa có thể phá hủy xe tăng và xe thiết giáp khác.
UAV cảm tử Karrar của Iran. Ảnh: TWITTER
Ông Frederick Kagan, giám đốc Dự án Các mối đe dọa nghiêm trọng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga đang cạn vũ khí chính xác và đây là điều mà UAV của Iran có thể thay đổi.
“Rất khó để đánh giá hiệu quả sẽ thế nào nhưng rõ ràng điều đó sẽ mang lại thêm cho người Nga khả năng tiến hành các cuộc không kích, có lẽ là vào sâu lãnh thổ Ukraine hơn so với hiện tại” – ông Kagan nói.
Ukraine đã sử dụng nhiều loại UAV, trong đó có nhiều loại do các nước NATO như Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, để phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép chở quân của Nga kể từ khi xung đột nổ ra.
Nga, nước đang bị cô lập về mặt ngoại giao và hứng các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề, đã phải vật lộn để thay thế một số khí tài quân sự đã mất trong xung đột. Trong khi đó, Ukraine đang nhận hàng tỉ USD vũ khí, bao gồm những hệ thống pháo binh tiên tiến từ Mỹ.
“Từ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tròn phần việc của mình để giúp duy trì sự phòng thủ hiệu quả của Ukraine, đồng thời cho thấy rằng nỗ lực của người Nga nhằm xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ thế giới không thể thành công” – ông Sullivan nhấn mạnh.