Hé lộ mức hoa hồng hậu hĩnh từ nhà cung cấp sổ liên lạc điện tử cho trường

Cứ 1 học sinh đăng kí sử dụng sổ liên lạc điện tử, nhà trường sẽ nhận được 1 khoản tiền hoa hồng tương ứng.
lien-lac-1667252868.jpg
Sổ liên lạc điện tử eNetViet được nhiều trường học sử dụng. Ảnh: VT

 

Phí sổ liên lạc điện tử thu phí - nhỏ nhưng không hề nhỏ

 

Như Lao Động đã phản ánh, hiện nay, nhiều phụ huynh phàn nàn về việc phải trả phí sử dụng sổ liên lạc điện tử hàng tháng trong khi đầu năm học mới, bao giờ giáo viên chủ nhiệm cũng tạo 1 nhóm Zalo chung cho học sinh trong lớp để thông báo các kế hoạch, công việc, tình hình học tập trên lớp.

Khi có điểm thi, kiểm tra, giáo viên chỉ cần 1 thao tác đơn giản là đưa điện thoại chụp một tấm ảnh điểm cả lớp rồi đưa vào Zalo nhóm là xong và phụ huynh vẫn biết được các điểm số của con em mình.

Nếu cần thiết, giáo viên, phụ huynh hoàn toàn có thể nhắn tin, trao đổi riêng qua Zalo, Messenger, Viber,... một cách nhanh gọn, thuận tiện và hiệu quả. Sổ liên lạc điện tử gần như không sử dụng đến.

Thế nhưng thực tế, sổ liên lạc điện tử đã xuất hiện và xâm nhập vào hầu hết các trường học trong nhiều năm nay. Theo các nhà trường, việc sử dụng sổ liên lạc điện tử nhằm giúp cho phụ huynh nắm bắt được điểm số, tình hình con em mình học tập ở nhà trường.

Chưa nói đến chuyện sổ liên lạc điện tử có công dụng ưu việt đến đâu, nhưng rõ ràng, có 1 điều hiển nhiên mà ai cũng nhìn thấy, đó là phía sau việc làm này có phần chiết khấu hoa hồng từ các nhà mạng, đơn vị cung cấp ứng dụng cho Ban giám hiệu nhà trường.

"Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, trường nhỏ thì vài trăm học sinh, trường lớn thì lên đến vài ngàn học sinh. Số học sinh đăng kí sử dụng dịch vụ càng nhiều, thì “hoa hồng” của các nhà mạng, đơn vị cung cấp dịch vụ gửi lại càng nhiều.

Ban giám hiệu nhà trường gần như chẳng mất gì. Họ chỉ triển khai đến giáo viên chủ nhiệm và giáo viên sẽ là người thu hộ, rồi sau đó nộp về nhà trường. Lãnh đạo nhà trường lại có thêm một khoản tiền hoa hồng hàng tháng" - chị Vũ Minh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Nếu không có hoa hồng, nhà trường có "sốt sắng" giới thiệu sổ liên lạc điện tử?

Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, hiện nay, tại đa số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đều sử dụng phần mềm sổ liên lạc điện tử eNetViet (sản phẩm được cung cấp bởi Công ty Cổ phần phần mềm Quảng Ích (QI Corp), có trụ sở tại Hoàng Mai, Hà Nội).

Gói dịch vụ phổ biến được các trường lựa chọn là gói F20 (20.000 đồng/tháng/ học sinh). Theo đó, hàng tháng, với mỗi học sinh tham gia, nhà cung cấp sẽ được quyết toán 14.000 đồng; kinh phí nhập liệu là 6.000 đồng và số lần nhận liệu tối thiểu là 6 lần/tháng.

Trong điều khoản hợp đồng ghi rõ: "Tin nhắn gửi qua phần mềm eNetViet không hạn chế số lượng thông báo. Hỗ trợ tin nhắn gửi tới nhà mạng khi phụ huynh không cài eNetViet hoặc không có mạng Internet, wifi, 3G, 4G: Tối đa 12 SMS/học sinh. Trong trường hợp bên A (nhà trường) đã sử dụng hết hạn mức tin nhắn tối đa gửi qua nhà mạng viễn thông, nếu bên A có nhu cầu sử dụng thêm thì sẽ phải thanh toán tổng số tin nhắn phát sinh với giá 600 VNĐ/1 tin nhắn. 

Như vậy, số hoa hồng nhà trường nhận về sẽ là 30% - một con số không hề nhỏ. Giả sử 1 trường học có 1.000 học sinh đăng kí sử dụng sổ liên lạc điện tử eNetViet, mỗi năm học (9 tháng), nhà trường sẽ thu về lên tới 54 triệu đồng. 

Chia sẻ về vấn đề này, một giáo viên có thâm niên 10 năm trong nghề tại Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, việc sử dụng sổ liên lạc điện tử không hiệu quả như những lời quảng cáo và chỉ có nhà trường, đơn vị cung cấp dịch vụ hưởng lợi.

"Trong lớp vẫn có những phụ huynh không đăng kí sử dụng sổ liên lạc điện tử eNetViet nên mọi thông tin của trường, lớp đều phải cập nhật trên nhóm Zalo chung. Có rất nhiều phụ huynh phàn nào về việc lỗi app, mất dữ liệu,... Giáo viên chúng tôi cũng chẳng biết làm cách nào để giải đáp tới phụ huynh" - giáo viên này bày tỏ.

Chính bởi những góc khuất phía sau câu chuyện lợi nhuận, chia chác tiền lời, nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi, nếu không có hoa hồng, liệu các nhà trường có "sốt sắng" giới thiệu sổ liên lạc điện tử trong nhà trường hay không.