Hồ thủy lợi bị xâm hại: Sau cánh cổng khóa của Maisonson, đầy rẫy sai phạm

Thời gian qua, phản ánh hàng loạt hồ thủy lợi bị xâm hại. Theo đó, 28.9, phóng viên cùng đơn vị chức năng trực tiếp khảo sát các công trình vi phạm. Thế nhưng, công trình Maisonson, thuộc địa phận xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội lại đóng cửa im ỉm.

Công trình mọc như nấm

Để làm rõ sai phạm của công trình Maisonson, sau nhiều lần liên hệ, ngày 5.10, phóng viên mới có thể vào bên trong công trình này.

Khác hẳn với vẻ bề ngoài xập xệ, bên trong khuôn viên Maisonson hiện ra với nhiều tổ hợp công trình hoành tráng. Ngay sát ven hồ Đồng Sương, gần 10 phòng nghỉ được sơn xanh đỏ tím vàng bắt mắt đua thẳng xuống hồ. Tất cả các phòng nghỉ này đều được đặt tên như ven hồ 1, ven hồ 2, ven hồ 3...

Bên trong khu đất còn có các tòa nhà với kiến trúc lạ được đặt tên như villa Kim Tự Tháp… có đầy đủ tiện nghi bên trong.

mot-so-hinh-anh-ben-trong-cong-trinh-maisonson-1665116708.jpg

 

mot-so-hinh-anh-ben-trong-cong-trinh-maisonson-1-1665116712.jpg

 

mot-so-hinh-anh-ben-trong-cong-trinh-maisonson-2-1665116715.jpgMột số hình ảnh bên trong công trình Maisonson

Ngoài ra, bên trong công trình Maisonson được lắp đặt nhiều trò chơi vận động ngoài trời như bập bênh, xích đu... Ngay lối ra vào còn có một căn nhà sàn giống như một nhà hàng ăn uống.

Thậm chí, bên trong khuôn viên, một ngôi nhà hai tầng vẫn đang được xây dựng dang dở chờ hoàn thiện.

Trên mạng xã hội, Maisonson (Maisonson Villas Miếu Môn) với hình ảnh trùng khớp được giới thiệu nhiều dịch vụ giải trí. Cụ thể, trên mạng xã hội, tài khoản này giới thiệu: “Maisonson Villas Homestay Hà Nội nằm trọn tại vùng đất xanh mát và yên bình, với đầy đủ tiện ích thú vị, nội thất sang trọng, bể bơi siêu xịn mang đến cho bạn một kì nghỉ tuyệt vời. Với tổng diện tích khu villa rộng hơn 10.000 m2 ven hồ Đông Sương cực mát mẻ.

Thừa nhận sai phạm

Mở rộng tìm hiểu chúng tôi phát hiện sự thật vô cùng ngỡ ngàng. Công trình Maisonson không chỉ có dấu hiệu vi phạm lấn hồ Đồng Sương mà còn xây dựng trái phép trên quy mô rất lớn.

Theo thông tin Xí nghiệp chè Lương Mỹ cung cấp, ngày 12.11.2014, Xí nghiệp chè Lương Mỹ (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội) đã giao khoán 9.456 m2 đất tại đồi San Pu cho ông Nghiêm Thanh Sơn (thường trú: thôn Phú Mỹ, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).

Tại đơn xin nhận khoán đất, ông Nghiêm Thanh Sơn nêu rõ: “Tôi được xí nghiệp phổ biến chủ trương thực hiện nội dung Nghị định 135/2005/NĐ – CP ngày 8.11.2005 của Chính phủ về giao khoán đất nông, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông, lâm trường quốc doanh. Vậy, tôi làm đơn này xin Ban lãnh đạo Xí nghiệp xét, giải quyết cho tôi và gia đình được khoán đất”.

Trong đơn của mình ông Nghiêm Thanh Sơn cam kết: “Sử dụng đúng mục đích, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai và các nội dung hợp đồng nhận khoán đất”.

Còn trong bản hợp đồng giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản đã quy định rõ trách nhiệm của Xí nghiệp chè Lương Mỹ. Theo đó, đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý và sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch.

Bản hợp đồng này cùng quy định bên B (ông Nghiêm Thanh Sơn) khi chuyển đi làm nghề khác hoặc không có khả năng thực hiện hết phần diện tích đã được hợp đồng, trả lại toàn bộ hoặc một phần đất về bên giao khoán thì người nhận giao khoán phải bàn bạc trước với xí nghiệp và được giải quyết theo quy định chung của Nhà nước và theo quy chế của xí nghiệp.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Xí nghiệp chè Lương Mỹ thừa nhận, việc xí nghiệp chè giao khoán đất cho ông Nghiêm Thanh Sơn để sản xuất nông nghiệp nhưng ông Sơn xây dựng tràn lan là sai so với quy định của pháp luật. 

Sử dụng đất không đúng mục đích có thể bị thu hồi

Luật gia Nguyễn Gia Hải, Công ty Luật TNHH Thái Hà cho biết, điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.

Như vậy, người sử dụng đất không đúng mục đích có thể bị Nhà nước thu hồi đất. 

Ngoài ra, người sử dụng đất và người quản lý đất cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật có thể bị xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP (Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai). Nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 228 Bộ Luật hình sự 2013 về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; Điều 229 Bộ Luật hình sự 2013 về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.