Báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh của người dân về việc các nhà đò hoạt động chở khách du lịch tại Cảng Thung Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) phải đóng 260.000 đồng cho mỗi lần xuất bến trong khi giá niêm yết chỉ là 50.000 đồng không kể thuyền to hay nhỏ.
Ông B.H.K. (54 tuổi) chủ nhà thuyền K.K (xã Thung Nai) cho biết: “Nhà tôi chở khách du lịch tại cảng Thung Nai đã gần 10 năm nay, như mọi năm cứ mỗi lần xuất bến tôi phải nộp khoảng 110.000 đồng, nhưng tết năm nay tôi phải nộp số tiền lên tới 260.000 đồng cho ông Tâm, ông Tĩnh là người đại diện của Công ty Tiến Anh”.
Theo ông K, có rất nhiều nhà đò phải đóng tiền xuất bến 260.000/lượt dù trên vé xuất bến chỉ ghi giá tiền là 50.000 đồng nên vô cùng bức xúc, người dân có kiến nghị thì được đại diện Công ty Tiến Anh trả lời là thu cao như vậy để “bảo lãnh”.
Tương tự, ông B.H.V. (45 tuổi), chủ nhà thuyền V.X (xã Thung Nai) kể, năm nay nhà tôi chở khách từ ngày mồng 2 Tết, bắt đầu đóng tiền xuất bến từ ngày mồng 4 Tết với số tiền 260.000 đồng/lượt. Mỗi ngày thuyền nhà tôi chạy được khoảng 2 – 3 lượt nên số tiền phải nộp rơi vào khoảng 500 – 700 nghìn đồng.
“Nhà đò nào cũng phải nộp như vậy cả, cũng chả biết họ có thu đúng quy định không nhưng thấy giá tiền ghi trên vé là 50.000 đồng. Nộp 260.000 đồng cũng thấy xót lắm nhưng không nộp thì không được chở khách, mà chở khách thì cũng có được bao nhiêu đâu, khổ lắm” – ông V tâm sự.
Theo ông V, số tiền nộp để xuất bến thay đổi theo từng năm, dao động khoảng 100 – 200 nghìn đồng, trong khi giá vé niêm yến không thay đổi vẫn là 50.000 đồng, như Tết năm 2022 các nhà đò phải nộp 210.000 đồng. Cứ nhìn mà đóng theo nhau như "luật bất thành văn".
Thực tế người dân phải đóng tiền và bức xúc vậy. Tuy nhiên, khi trao đổi thông tin về vấn đề này, ông Phạm Văn Biền, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Anh (Công ty Tiến Anh - Đơn vị được giao quản lý, khai thác và sử dụng cảng Thung Nai) lại cho rằng: Công ty Tiến Anh không hề thu tiền xuất bến 260.000 đồng của các nhà đò mà chỉ thu 50.000 đồng theo đúng giá niêm yết.
“Ông Tĩnh, ông Tâm – người thu 260.000 đồng của các nhà đò không phải người của công ty mà là người của Hợp tác xã (HTX) vận tải hành khách đền chúa Thác Bờ, họ ký hợp đồng với Công ty Tiến Anh. Việc họ thu cao hơn giá niêm yết và nộp cho ai chúng tôi không biết, cái này Công an huyện Cao Phong cũng đang điều tra” – ông Biền nói.
Theo ông Biền, đúng ra các nhà đò phải nộp tiền trực tiếp cho Công ty Tiến Anh nhưng vì nhiều vướng mắc về vấn đề xếp khách lên đò nên công ty thống nhất để các HTX thu tiền hằng ngày của nhà đò sau đó mới nộp lại cho Ban quản lí Cảng du lịch Thung Nai.
Vậy ai là người được hưởng lợi từ việc thu tiền cao gấp 5 lần giá niêm yết tại Cảng du lịch Thung Nai? Có hay không việc Công ty Tiến Anh đứng sau chỉ đạo các HTX thu tiền từ các nhà đò? Công tác điều tra, xử lý, chấn chỉnh đối với những sai phạm (nếu có) tại cảng Thung Nai ra sao?
Trước đó, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, Cảng du lịch Thung Nai có hơn 100 tàu chở khách, tuy nhiên chỉ có 17 tàu đủ điều kiện hoạt động. Với lượng khách đông, có thời điểm lên đến 1.000 lượt khách/ngày, 17 tàu này phải hoạt động hết công suất, quay vòng hoạt động liên tục.
Theo thống từ cơ quan chức năng, trong tổng số 260 tàu hoạt động tại lòng hồ Hòa Bình, có 99 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; 70 phương tiện chưa được đăng kiểm lại; 91 phương tiện đủ điều kiện hoạt động.