Lợi nhuận giảm gần 60%
Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022.
Theo đó, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 2.274 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với quý 2/2021 (35.440 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế là 4.023 tỷ đồng, giảm 5.722 tỷ đồng (59%) so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh tài chính quý 2/2022 của các doanh nghiệp thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đều tương đối ảm đạm bởi tác động của các yếu tố thị trường.
Đáng chú ý, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ cảu HPG chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021 lên 37.422 tỷ đồng nhưng giá vốn bán hàng lại tăng nhanh gần 5 lần với mức tăng 30,6% lên 30.882 tỷ đồng.
Giá vốn chiếm tới 82,5% doanh thu khiến biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát giảm từ 33% quý 2/2021 xuống còn 18% trong quý này.
Loạt rủi ro tiền tỷ
Thép vẫn là ngành sản xuất chủ chốt của Tập đoàn Hoà Phát, đóng góp 95% vào doanh thu và 98% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Thế nhưng thời gian qua giá thép toàn cầu giảm mạnh từ giữa quý 2/2022 do lạm phát tại Mỹ và Châu Âu cùng với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Hòa Phát bị thu hẹp.
Trong nước, nhu cầu thép cũng giảm do ảnh hưởng bởi xu hướng chung, đặc biệt là HRC.
Giá bán thép giảm trong khi giá thành cao làm chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải trích lập ở mức rất lớn với 575 tỷ đồng. Đây là một trong các nguyên nhân làm tăng giá vốn hàng bán và giảm mạnh biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá vốn bán hàng của HPG tăng mạnh là do biến động giá than xuất phát từ chiến sự Nga - Ukraine từ tháng 2/2022.
Giá than HCC liên tục lập đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 670 USD, tăng 96% so với tháng 12/2021 là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành sản xuất của Hòa Phát tăng mạnh.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga, cùng giá xăng dầu cao làm tăng chi phí vận chuyển. Cước vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát quý này tăng 205 tỷ đồng (61% so với cùng kỳ 2021) cũng làm tăng 79% chi phí bán hàng của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, chi phí tài chính của HPG tăng mạnh do lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện cũng như lỗ từ đánh giá lại các khoản mục nợ gốc ngoại tệ kỳ này tăng 6,5 lần lên hơn 1.270 tỷ đồng; Chi phí vay vốn tăng 20% do lãi suất cao.
"Sa lầy" vì HPG
Chịu tác động riêng của ngành và tác động chung của thị trường, trong quý 2 thị giá cổ phiếu của HPG đã giảm hơn 38% từ trên 36.000 đồng về sát 22.000 đồng/cổ phiếu. Đây là nguyên nhân khiến nhiều khoản đầu tư vào cổ phiếu của Hoà Phát bị lỗ nặng.
Đơn cử, Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chi 84,8 tỷ đồng để mua HPG nhưng đến 30/6 khoản đầu tư này chỉ còn 55,1 tỷ đồng, lỗ 29,7 tỷ đồng. Đây là một phần nguyên nhân khiến quý 2/2022 của VDSC bết bát nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt lỗ trước thuế 136,2 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái công ty này vẫn lãi khủng trên 310 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Hóa An (DHA) cũng có “chơi lớn” khi nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát tại thời điểm 30/6, tăng mạnh so với 300 ngàn cổ phiếu hồi đầu năm. Khoản đầu tư vào HPG cũng là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn đến thời điểm này.
Giá trị của khoản đầu tư này ghi nhận trong báo cáo là hơn 78 tỷ đồng.
Kết thúc quý 2/2022, tổng lợi nhuận trước thuế DHA giảm mạnh từ 26,7 tỷ đồng xuống còn 2,3 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1,7 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước lãi 21,5 tỷ đồng. Biên lãi gộp của DHA đến 30/6 giảm sâu từ 32,8% (quý 2/2021) xuống còn 24,64%;
Nguyên nhân của kết quả ảm đạm trên không phải chủ yếu đến từ sự khó khăn của hoạt động kinh doanh chính mà xuất phát từ việc DHA phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 20 tỷ đồng với cổ phiếu HPG khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp này tăng vọt gấp 5 lần (21 tỷ đồng), bào mòn lợi nhuận của DHA.
Trường hợp mới nhất bị "sa lầy" vì HPG là Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt (TVC). Quý này, doanh thu của TVC giảm mạnh 87% xuống 17 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng mạnh từ 32 tỷ lên 305 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng 271 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến tập đoàn này lỗ ròng 237 tỷ đồng.
TVC đã “rót” 1.110 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG (gấp đôi đầu năm) cũng là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục chứng khoán đầu tư của TVC.
Đến hết quý 2, TVC tạm lỗ 296 tỷ đồng riêng cho khoản đầu tư vào HPG.