Hoạt động kinh doanh của tập đoàn bị tỉnh Khánh Hòa truy thu thuế gần 12.000 tỷ đồng

san-bay-cu-1664422639.jpg Khu vực sân bay Nha Trang cũ được giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm dự án. Ảnh: Thanh Niên

 

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi CTCP Tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang. Tỉnh yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 11.994 tỷ đồng. 

Bức tranh kinh doanh của Phúc Sơn

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Hậu (lúc ấy mới 23 tuổi) đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Đến ngày 4/8/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi CTCP Đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn. Gần một năm sau đó (tháng 7/2010), doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Tập đoàn Phúc Sơn và hoạt động dưới tên gọi này cho đến nay. 

Cũng tại thời điểm năm 2010, Tập đoàn Phúc Sơn có vốn điều lệ 130 tỷ đồng. Đến năm 2015, công ty đã tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng (gấp 11,5 lần) qua 2 đợt phát hành. Đến tháng 2/2017, vốn điều lệ của Phúc Sơn tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ đồng. 

Giai đoạn này cũng là thời kỳ Phúc Sơn liên tục “bành trướng” các hoạt động kinh doanh bất động sản của mình. Cụ thể, tập đoàn làm chủ đầu tư hàng loạt dự án nghìn tỷ như: khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) quy mô 130 ha; khu nhà ở cho người có thu thập nhấp 15 tầng tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) rộng 149 ha.

Ngoài ra, Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Ƭhọ.

Sau đó, Tập đoàn Phúc Sơn tiến vào phía nam với dự án BT sân bay Nha Trang cũ. Tập đoàn này thực hiện 3 dự án hạ tầng, đổi lại, tỉnh Khánh Hòa sẽ giao 62,3 ha phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 ở sân bay Nha Trang cũ để Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Theo dữ liệu của Người Đồng Hành, giai đoạn 2017 – 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn Phúc Sơn giảm 83% còn 77,6 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần trong giai đoạn này cũng giảm, thậm chí 2 năm 2020 - 2021 âm liên tiếp 17 tỷ đồng và 17,9 tỷ đồng.

phuc-son-1664422710.jpg Cũng sau 5 năm, tài sản gấp gần 3 lần, đạt 7.587 tỷ đồng vào năm 2021. Vốn chủ sở hữu đạt 1.896 tỷ đồng.

 

Nhiều dự án BT ở Khánh Hòa chậm trễ

Tập đoàn Phúc Sơn là nhà đầu tư được tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện các dự án gồm: các tuyến đường, các nút giao kết nối sân bay Nha Trang; đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội; nút giao thông Ngọc Hội theo hình thức hợp đồng BT.

Nguồn vốn để thanh toán cho các dự án BT là các quỹ đất thuộc khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang tại khu vực sân bay Nha Trang cũ. 

Theo Tập đoàn Phúc Sơn, tính đến tháng 8, tổng tiến độ của 3 dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn đạt khoảng 38,48%, tổng chi phí đầu tư là 1.284 tỷ đồng. Trong đó, dự án các tuyến đường, các nút giao kết nối sân bay Nha Trang đã đầu tư 388 tỷ đồng; dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội đầu tư 268 tỷ đồng và dự án nút giao thông Ngọc Hội đầu tư 626 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí đã thực hiện đầu tư xây dựng dự án khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (quỹ đất được thanh toán cho các dự án BT) là 1.575 tỷ đồng.

Như vậy, cả 3 dự án của Tập đoàn Phúc Sơn đều không hoàn thành để đưa vào khai thác vào cuối năm 2017 như đã cam kết với địa phương.

Đến nay, Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 376 tỷ đồng. Số tiền này, Tập đoàn Phúc Sơn xác định là giá trị chênh lệch giữa giá trị quỹ đất thanh toán cho các dự án BT và giá trị dự án BT (là tổng giá trị hợp đồng cả dự án BT).

Trước đó, vào tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại sân bay Nha Trang. Theo kết luận này, 6 dự án BT có chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, trong đó có 3 dự án do Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các dự án BT trên có nhiều sai phạm như bàn giao đất khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê; chưa xác định giá đất cụ thể để làm cơ sở xác định giá trị quỹ đất hoàn vốn cho các dự án BT; chưa có quyết định phê duyệt giá đất; các dự án đều không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng theo kế hoạch…

Đến thời điểm kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa xác định giá đất cụ thể để làm cơ sở xác định giá trị quỹ đất hoàn vốn cho các dự án BT; chưa ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho Tập đoàn Phúc Sơn để thực hiện dự án khác theo thỏa thuận ghi tại hợp đồng BT; chưa xác định diện tích đất còn lại để xử lý theo quy định pháp luật…