Việc chọn con đường nào sau tốt nghiệp THCS, tức tiếp tục học văn hóa hay học nghề, là vấn đề mang tính bước ngoặt cho tương lai. Do đó, học sinh cần nhắc kỹ nếu không muốn phải hối tiếc về sau này.
Tâm lý "trọng bằng cấp văn hóa hơn bằng nghề"
Trước thềm kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024, nhiều trường THCS bắt đầu "chạy đua" ôn thi với nhiều hình thức khác nhau. Có trường dạy tăng tiết đối với những môn thi tuyển (thường là toán, ngữ văn, tiếng Anh). Cũng có trường vừa dạy vừa ôn thi hoặc sáng dạy chính khóa; chiều, tối luyện thi vào lớp 10…
Mục đích cuối cùng là giúp học sinh lớp 9 vượt "vũ môn" vào lớp 10 THPT công lập một cách an toàn nhất. Tuy nhiên, việc tuyển sinh vào lớp 10 còn phụ thuộc vào chỉ tiêu của từng trường, từng địa phương.
Số học sinh không thi hoặc trượt kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập sẽ có một số lựa chọn sau tốt nghiệp THCS. Vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522 phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Trong đó, mục tiêu đến năm 2025:
- Ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là ít nhất 30%.
- Ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì ít nhất 35%.
Dù vậy, với tâm lý "trọng bằng cấp văn hóa hơn bằng nghề, thích làm thầy hơn làm thợ", không ít phụ huynh, học sinh tìm mọi cách để vào được lớp 10 dù năng lực học tập của học sinh chưa đủ. Ngược lại, cũng có học sinh ngay từ đầu nhận thức không đủ sức tiếp tục học tập văn hóa sau khi tốt nghiệp THCS nên chọn con đường học nghề.
Không thể ép buộc học sinh
Ngành giáo dục không thể ép buộc tất cả học sinh tốt nghiệp THCS phải học THPT.
Nếu không vào lớp 10 thì học sinh có thể lựa chọn con đường học phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện học tập, định hướng tương lai. Cụ thể, các em có thể học tiếp bậc THPT ở trường tư thục, hệ bổ túc văn hóa ở trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp hay CĐ...
Để thu hút học sinh học nghề, ngoài việc miễn học phí hiện nay với hệ trung cấp, cần có thêm chính sách miễn học phí ở hệ CĐ, tăng cường sự kết nối giữa trường nghề và doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội. Điều này sẽ giúp học sinh học nghề có cơ hội việc làm ngay tại doanh nghiệp sau khi hoàn tất chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, các trường nghề cần có nhiều nghề cho các em lựa chọn chứ không chỉ một vài nghề như: mộc, hàn, may mặc, nấu ăn…
Việc tư vấn nghề là hết sức hệ trọng, cần phải được thực hiện sao cho đúng năng lực, điều kiện của học sinh. Không nên o ép dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ lý do nào mà phải dựa trên sự đồng thuận, tự nguyện của phụ huynh và học sinh.