Hơn 1,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi

Bộ Y tế cho biết, đến nay có 12 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tổng số liều vaccine được tiêm đến nay là hơn 1.200.000 liều. Công tác tiêm an toàn, chưa ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 11/11, cả nước đã tiêm được 95.688.596 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 63.614.168 liều mũi 1 và 32.074.428 liều mũi 2.

Về tiêm vaccine cho trẻ em, đến nay có 12 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.

Tổng số liều vaccine được tiêm đến nay là hơn 1.200.000 liều.

Một số địa phương khác xây dựng kế hoạch và bắt đầu triển khai tiêm chủng cho đối tượng trẻ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi tại Bình Dương Ảnh: báo Bình Dương

Tại TP HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết đến nay toàn thành phố đã tiêm được là 651.468 trẻ, chiếm tỉ lệ 92,8%. Có 54 trẻ có phản ứng sau tiêm, đều là phản ứng nhẹ.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết khó khăn nhất trong công tác tiêm chủng đợt này là di biến động dân cư lớn. Số lượng này chủ yếu ở nhóm trẻ không đi học, từ đó khiến công tác quản lý gặp khó khăn nên thành phố phải tổ chức khảo sát, tiêm vét thêm vài ngày.

Tại Đồng Nai, đến sáng ngày 11/11, số trẻ em từ 15-17 tuổi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 gần 58.000 trẻ, đạt tỷ lệ 19,6% số trẻ từ 12- dưới 18 tuổi.

Tại Bình Dương, trong 2 ngày 10 và 11/11, hơn 26.700 học sinh lớp 9 (14 tuổi) trong toàn tỉnh và hơn 12.600 học sinh lớp 8 (13 tuổi) ở TP. Thủ Dầu Một, TX. Bến Cát và TX. Tân Uyên được tiêm vaccine phòng COVID-19. Hôm nay, ngày 12/11, tỉnh tiêm vét cho những học sinh hoãn tiêm và bị bệnh nền.

Trước đó, toàn tỉnh đã tiêm được 76.192 liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi.

Đến thời điểm này sở chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào trẻ dưới 18 tuổi có phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các địa phương trong tỉnh.

Tại Vĩnh Long, đến hết ngày 11/11 đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 88.400 trẻ từ 12-17 tuổi.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tại phiên chất vấn- trả lời chất vấn của Quốc hội, đại biểu Trần Hữu Hậu - đoàn Tây Ninh cho biết: "Hiện nay, các địa phương đang triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Vấn đề này đem lại niềm vui và đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, có một số cử tri còn lo lắng cho rằng, vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ em. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ về vấn đề này và các cơ sở khoa học để Bộ Y tế cho triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em từ 12-17 tuổi để cử tri yên tâm?".

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm.

Đối với việc tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em sau khi tổng kết đánh giá, nghiên cứu trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các nhà khoa học, đặc biệt là căn cứ hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Cơ quan kiểm soát Thuốc và Thực phẩm của Hoa Kỳ đã chính thức cho phép tiêm vaccine theo công nghệ mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Hiện nay, đã có gần 40 quốc gia tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em bằng vaccine sản xuất theo công nghệ này.

"Cách làm của các nước cũng giống như chúng ta, tiêm từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp, nhóm có nguy cơ bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng tiêm chủng. Vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA được sử dụng là vaccine của Pfizer-BioNTech.

Vaccine này sẽ không xâm nhập trực tiếp vào gene, nên ý kiến cho rằng tiêm vaccine có thể gây đột biến, gây ảnh hưởng sinh sản đối với trẻ em cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là không, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, loại vaccine thứ hai được sử dụng theo công nghệ vaccine bất hoạt, tức là công nghệ vaccine của Sinopharm, hiện nay đã được 4 nước trên thế giới áp dụng cho trẻ nhỏ hơn và cũng được đánh giá đảm bảo an toàn cho trẻ.

"Tôi khẳng định, tất cả các vaccine đã cấp phép và sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới và chúng tôi đã tham khảo các tổ chức thế giới khi đưa các loại vaccine này dùng cho trẻ em"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.